Cứu bệnh nhân bị sặc múi mít làm tắt đường thở, hôn mê

Duy Tính
Duy Tính
24/01/2018 14:08 GMT+7

Ngày 24.1, bác sĩ Phan Vĩnh Khang, Khoa hô hấp Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết BV vừa tiếp nhận và nội soi lấy múi mít ướt từ cuống phổi bệnh nhân T.V.S (62 tuổi, ngụ xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh).

Hiện sức khỏe bệnh nhân cải thiện, hết khó thở.
Theo người nhà bệnh nhân, ông S. bị tai biến nằm một chỗ mấy năm qua, mọi việc ăn uống đều do con cháu đút. Sáng 23.1, ông thèm ăn mít nên người cháu cho ăn miếng mít ướt. Đang ăn thì ông đột ngột nghẹn, khó thở nên người nhà đưa vào BV Bình Chánh cấp cứu. Tại đây ông khó thở, tím tái và được các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở và chuyển đến cấp cứu tại BV Nguyễn Tri Phương.
“Lúc nhập viện bệnh nhân tím tái, thở co kéo, hôn mê, bóp bóng qua nội quản. Lúc này ô xy máu không cải thiện, chỉ còn 50% dù được bóp bóng qua nội khí quản”, bác sĩ Khang cho hay.
Kết quả chụp X-quang các bác sĩ nghi dị có dị vật ở phổi trái nên bệnh nhân được mở đường truyền tĩnh mạch và chuyển thẳng Khoa hô hấp xử lý.
Kết quả khám lâm sàng tại Khoa hô hấp, bác sĩ không còn nghe âm thở phổi trái. Kết quả nội soi cấp cứu vào phế quản gốc trái (cuống phổi) bác sĩ thấy có một múi mít nguyên vẹn, làm tắt hoàn toàn đường thở bên trái nên tiến hành gắt dị vật qua ngã họng.
“Do là múi mít ướt nên khi gắp miếng mít đứt ra, chúng tôi vừa kết hợp gắp và hút, sau 45 phút mới thành công. Sau đó kiểm tra đường thở thông thoáng, bệnh nhân tự thở được”, bác sĩ Khang nói.
TS-BS Trần Văn Thi, Trưởng Khoa hô hấp BV Nguyễn Tri Phương, cho biết thêm: bệnh nhân hay bị sặc thức ăn thường rơi vào những người bị rối loạn tri giác như say rượu, tai biến mạch máu máu não... Do vậy, người đút cho bệnh nhân ăn uống cần cẩn trọng. Khi nghi ngờ mắc dị vật thì nên đến BV sớm để chẩn đoán, xử lý đúng và không để lại di chứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.