Cứu bệnh nhân bị hóc xương cá cả chục ngày

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
30/01/2018 14:45 GMT+7

Thường người bệnh hoặc thân nhân của họ muốn chuyển lên tuyến trên nếu ca bệnh được xác định là khó. Nhưng trong trường hợp này, mặc dù bệnh viện đồng ý nhưng thân nhân chỉ xin… ở lại. Cuối cùng, ca mổ thành công!

Sáng 30.1, sau 20 ngày được điều trị hồi sức, ông Mai Xuân Hữu (54 tuổi, trú xã Tân Hợp, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đã ổn định sức khỏe nên đã được làm thủ tục xuất viện.
Trước đó, ngày 10.1, ông Hữu vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng sưng bành vùng cổ, sốt rét run, không ăn uống được. Người nhà ông cho hay, trước đó 10 ngày, ông ăn cá và bị hóc xương.
Kết quả thăm khám cho thấy dị vật là mẩu xương cá dài 1,5 cm nằm sát ngực và khối áp xe có kích thước rất lớn ngoài thực quản, sau tuyến giáp trước cột từ sau miệng thực quản lan xuống trung thất trên, có nguy cơ vỡ và đe dọa tính mạng của ông Hữu. Tiên lượng bệnh nặng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã có phương án chuyển tuyến trên nhưng ông Hữu và người nhà của ông nhất quyết xin ở lại.
Ngày 13.1, kíp bác sĩ Khoa Ung bướu và Khoa Tai -  Mũi - Họng đã tiến hành phẫu thuật mở khoang cạnh cổ bên trái, vén cơ ức đòn chũm, tách cơ giáp móng, đẩy động mạch cảnh chung ra ngoài, cắt động mạch giáp giữa, vén tuyến giáp, bộc lộ thực quản để hút 50 ml dịch mủ và lấy ra mẩu xương cá sắc nhọn dài hơn 1,5 cm và dẫn lưu áp xe.

BS Đinh Viết Thanh, Trưởng khoa Tai -  Mũi - Họng, cho biết dị vật thực quản thực sự là một cấp cứu ngoại khoa, rất nguy hiểm với tính mạng của người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao nên cần được khám và điều trị kịp thời.
"Trong trường hợp này, điều đáng nói nữa chính là sự tin tưởng của người nhà bệnh nhân đối với đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện. Đó cũng là động lực để chúng tôi dám thực hiện những ca khó", BS Thanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.