Cuộc truy bắt cựu quân nhân vượt ngục suốt 32 năm

26/01/2023 11:19 GMT+7

Để truy bắt cựu quân nhân vượt ngục suốt 32 năm, trinh sát hình sự Bộ Công an đã lái xe dọc 19 thành phố, rà soát hàng trăm địa điểm với tổng quãng đường gần 5.000 km.

Hai tháng qua, Phòng Truy nã truy tìm (Phòng 10, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) đã truy bắt thành công hơn 50 đối tượng truy nã - con số được đánh giá là rất cao. Trong số này, nhiều đối tượng từng biệt tích vài chục năm, điển hình là Trương Công Chức (54 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế).

Trương Công Chức thời điểm hơn 30 năm trước (trái) và khi bị bắt giữ

công an cung cấp

Vượt ngục rồi “bốc hơi” suốt 32 năm

Chức vốn là cựu quân nhân. Cuối những năm 1980, Chức tham gia một vụ án giết người và bị TAND tỉnh Sông Bé (nay tách thành Bình DươngBình Phước) tuyên án 6 năm tù giam.

Tháng 10.1990, khi đang chấp hành án, Chức đục tường vượt ngục, bị phát lệnh truy nã về tội trốn trại. Chức biến mất như một “bóng ma”. Công tác truy bắt khi ấy được tổ chức rất gắt gao nhưng không có kết quả.

Đến tháng 9.2022, tức 32 năm kể từ ngày Chức trốn khỏi nơi giam giữ, Phòng 10 Cục Cảnh sát hình sự trực tiếp xây dựng kế hoạch truy bắt Chức. Một tổ công tác được huy động làm nhiệm vụ, trong đó có 2 trinh sát dày dặn kinh nghiệm bậc nhất của Phòng 10 là trung tá Phạm Ngọc Viết và trung tá Hoàng Hoài Nam.

Giống như nhiều đối tượng truy nã lâu năm khác, khó khăn lớn nhất mà tổ công tác Phòng 10 phải đối mặt khi thụ lý vụ việc là thông tin về hành tung của Chức rất mơ hồ, ít ỏi. Tài liệu có được chỉ là tờ lệnh truy nã và tấm hình đen trắng của Chức khi còn đôi mươi, kèm theo một vài đặc điểm nhận dạng, như: cao khoảng 1 m 58, sống mũi lõm, trên mặt có một vết sẹo chấm...

Trung tá Phạm Ngọc Viết cho hay, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh và đồng đội phán đoán rất có thể Chức chưa trốn khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, từng ấy năm biệt tích, chắc chắn Chức đã tạo cho mình một “vỏ bọc” rất kín kẽ bằng việc thay đổi họ, tên, lai lịch hoặc nơi ở.

Sau khi vạch ra kế hoạch truy tìm, trung tá Viết và trung tá Nam báo cáo chỉ huy, được đồng ý cho triển khai chuyến công tác dài ngày. Cả 2 di chuyển bằng ô tô, xuất phát từ Hà Nội hướng về miền Trung, với kỳ vọng tìm ra manh mối của Chức.

Dọc đường đi, tổ công tác Phòng 10 ghé từng địa điểm, rà soát từng vị trí nghi vấn, tiếp xúc hàng trăm người liên quan. Tuy nhiên, người thân hoặc bạn bè khi xưa của Chức đều cho đáp án chung, rằng suốt 3 thập kỷ qua họ không hay biết Chức đang ở đâu, làm gì.

Mọi phương án tưởng chừng bế tắc thì bất ngờ xảy ra. Một nguồn tin nhận định, nhiều khả năng Chức đang lẩn trốn ở khu vực Tây nguyên. Phạm vi tìm kiếm lập tức được thu hẹp.

Lệnh truy nã tội trốn trại đối với Trương Công Chức

công an cung cấp

Qua nhiều ngày sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, trung tá Viết cùng đồng đội xác định Chức đang sinh sống tại Lâm Đồng. Hành tung của đối tượng này cũng dần lộ sáng.

Theo đó, sau khi vượt ngục, Chức lấy tên giả là Lê Danh, mua quần áo quân nhân giả, dùng giấy tờ của người khác để biến thành một con người hoàn toàn mới. Để trốn tránh sự truy bắt, Chức vào TP.HCM ít tháng rồi ngược ra Quảng Trị, cuối cùng “mai danh ẩn tích” ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).

Xem nhanh 12h ngày 26.1: Cửa ngõ Hà Nội ùn tắc | Cây xăng đóng cửa 45 phút, bị phạt 15 triệu

Mai phục căn nhà trong tiểu khu 40

Các nguồn tin và tài liệu trinh sát cho thấy, nơi Chức đang sinh sống là một căn nhà nằm sâu trong tiểu khu 40, TP.Đà Lạt. Chức đã lấy vợ và sinh được 2 người con. Chức tỏ ra rất đề phòng khi đăng ký thường trú một nơi nhưng lại sống ở nơi khác.

Quá trình lẩn trốn, Chức chủ động sống khép kín, hạn chế giao tiếp với người dân trong khu vực, dành phần lớn thời gian làm nghề trồng hoa. Yêu cầu đặt ra là, phải có một kế hoạch vây bắt bảo đảm an toàn cho tổ công tác, cho người xung quanh (bao gồm cả người thân của Chức) và cho chính bản thân Chức.

Rất nhiều phương án được tính toán. Sau cùng, tổ công tác quyết định chia làm 3 mũi, mai phục quanh nhà Chức để nắm tình hình. Mọi diễn biến đều nằm trong tầm ngắm, đồng thời không được manh động dẫn tới mất kiểm soát.

Lực lượng công an lấy lời khai với Trương Công Chức

công an cung cấp

Thời gian dài quan sát, tổ công tác phát hiện Chức có biểu hiện không bình thường về sức khỏe. Nhận thấy đủ an toàn, sáng 18.12.2022, một mũi trinh sát gồm công an địa phương tiếp cận ngôi nhà, nhẹ nhàng thuyết phục và mời Chức lên phường làm việc.

"Chức vừa bị tai biến nặng, sức khỏe ảnh hưởng nhiều, giọng nói cũng biến dạng. Tuy vậy, Chức tỏ ra rất bình tĩnh, né tránh toàn bộ câu hỏi bất lợi mà trinh sát đưa ra đối với mình. Đối tượng nhiều lần quanh co, giả vờ nói không rõ chữ vì vừa bị tai biến, cương quyết phủ nhận mình là Trương Công Chức”, trung tá Phạm Ngọc Viết nhớ lại.

Theo đánh giá của vị trung tá này, Chức là một người thông minh, ngoan cố; ngay cả vợ, con của Chức cũng rất bất ngờ về thân phận thật sự của người này. Dù vậy, sau gần một ngày đấu trí, bằng các “miếng đòn tâm lý” và những chứng cứ không thể chối cãi, tổ công tác Phòng 10 đã buộc Chức phải cúi đầu khuất phục.

Hành trình truy bắt tạm khép lại. Theo trung tá Viết, đây là một trong những chuyên án tốn nhiều công sức nhất trong sự nghiệp của anh. Để lần ra manh mối về nơi ở của Chức, anh và đồng đội đã đi qua 19 thành phố, hơn 100 địa điểm với tổng quãng đường gần 5.000 km.

Trên chặng đường ấy, có những ngày 2 vị trung tá thay phiên nhau lái xe ô tô băng rừng vượt suối, với khoảng 600 km. Nhiều chuyến đi xuyên đêm, đồ ăn lót dạ chỉ gồm mì gói và nước lọc. Vất vả là vậy, nhưng khi truy bắt thành công đối tượng, các anh đều cảm thấy công sức đã bỏ ra là xứng đáng.

Trốn bao lâu vẫn sẽ bị truy bắt

Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng 10, Cục Cảnh sát hình sự, cho biết các đối tượng truy nã trốn lâu năm phần lớn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để lẩn trốn, những đối tượng này thường thay đổi họ, tên, quê quán, nhân thân nhằm gây khó khăn cho việc truy bắt.

Cá biệt, một số đối tượng trốn 30 - 35 năm, nhân dạng hoàn toàn thay đổi, khi bị bắt còn ngoan cố không chịu thừa nhận, lực lượng công an phải đấu tranh cả ngày trời mới chịu khuất phục.

Theo đại tá Cường, nhiều đối tượng trốn đến 40 năm vẫn bị bắt giữ. Nếu không trốn, đối tượng có thể đã thi hành án được mấy lần, đã xong và ra tù lâu rồi, nhưng nếu trốn thì phải sống trong lo sợ suốt mấy chục năm, khi bị bắt giữ phải thi hành án từ đầu (hoặc tiếp tục thi hành án như trường hợp của Chức - PV).

Đại tá Cường nhấn mạnh, đối tượng truy nã dù trốn bao lâu đi nữa thì lực lượng công an cũng quyết tâm truy bắt bằng được. Tốt nhất, các đối tượng hãy chủ động ra đầu thú và khai báo để được xem xét hưởng các chính sách pháp luật về hình sự.

Trưởng phòng 10 kêu gọi những đối tượng đang trốn truy nã suy nghĩ kỹ về điều trên, sớm ra đầu thú, sớm thi hành án (trong trường hợp bị tòa tuyên phạm tội - PV) để sớm trở về với gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.