Cuộc hành trình hơn 1 triệu năm của sao chổi lớn nhất từ trước đến nay

14/04/2022 19:27 GMT+7

Nhờ kính không gian Hubble, các nhà thiên văn học đã tìm ra sao chổi lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí còn to hơn bang Rhode Island của Mỹ, và đang trên cuộc hành trình hơn 1 triệu năm đến gần mặt trời.

Sao chổi có tên C/2014 UN271

nasa/esa

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính sao chổi khổng lồ có bề ngang lên đến 137 km, chứa lõi băng lớn nhất từng được phát hiện trong lịch sử thám hiểm không gian của loài người, theo Đài CBS đưa tin hôm 13.4.

Sao chổi có tên C/2014 UN271, được phát hiện năm 2010, nhờ vào các nhà thiên văn học Pedro Bernardinelli và Gary Bernstein đang công tác ở Đài thiên văn Liên Mỹ Cerro Tololo (Chile).

Tuy nhiên, phải đợi đến khi nhóm do chuyên gia Man-To Hui của Đại học Khoa học và Công nghệ Macao dẫn đầu mới xác định được kích thước đáng nể của nó.

Báo cáo về phát hiện mới đã được đăng tải trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters hôm 12.4.

“Đó là một thiên thể tuyệt vời. Nó vẫn hoạt động tích cực dù ở xa mặt trời”, theo ông Hui.

Nhóm của ông đã sử dụng kính Hubble chụp 5 hình ảnh về sao chổi vào ngày 8.1. Kết hợp với dữ liệu của kính thiên văn vô tuyến khác, họ có thể tính toán được kích thước thật sự của C/2014 UN271.

Sao chổi đang di chuyển trong không gian với tốc độ 35.405 km/giờ. Nó xuất phát từ rìa của hệ mặt trời và hiện cách sao trung tâm chưa đến 3,2 tỉ km, theo NASA. Tuy nhiên, sao chổi này chưa bao giờ đến gần mặt trời hơn khoảng cách 1,6 tỉ km.

Đồng tác giả báo cáo, giáo sư David Jewitt của Đại học California ở Los Angeles (Mỹ), cho rằng việc phát hiện sự tồn tại của C/2014 UN271 có lẽ là dấu hiệu cho thấy vẫn còn nhiều sao chổi tương tự ở ngoài kia.

“Sao chổi trên có thể là phần chóp của tảng băng trôi, nghĩa là có thể còn hàng ngàn sao chổi lớn đang ở quá xa để lọt vào tầm quan sát của chúng ta”, theo ông Jewiitt.

NASA cho hay C/2014 UN271 đã bắt đầu cuộc hành trình cách đây hơn 1 triệu năm từ “quê nhà” của nó là đám mây Oort. Ước tính tàu du hành Voyager của NASA sẽ mất thêm 300 năm nữa nếu muốn đến cái nôi của sao chổi, và thêm khoảng 30.000 nếu muốn vượt qua nơi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.