Cuộc gặp xúc động giữa nữ giáo sư ĐH Stanford và bé gái khuyết cả 2 tay

Quý Hiên
Quý Hiên
21/01/2022 18:58 GMT+7

Trong buổi trò chuyện "Chào tương lai” tại ĐH VinUni, chủ nhân giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của VinFuture có cuộc gặp đầy xúc động với bé gái học lớp 6 bị khuyết cả 2 tay đến từ H.Mỹ Đức, Hà Nội.

Sáng nay 21.1, tại Trường ĐH VinUni (Hà Nội), trong buổi giao lưu có chủ đề “Chào tương lai” giữa sinh viên của trường với chủ nhân các giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên, GS Zhenan Bao, ĐH Stanford, Mỹ, đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với bé gái khuyết 2 tay đến từ một xã ngoại thành cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 40 km.

GS Zhenan Bao được GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, trao giải hạng mục Nhà khoa học nữ giải thưởng VinFuture

Thanh Lâm

GS Zhenan Bao là nhà hoá học được VinFuture trao giải đặc biệt mùa đầu tiên dành cho nhà khoa học nữ với công trình thiết bị theo dõi sức khỏe giao tiếp sinh học đeo tay.

Đây là công trình nghiên cứu tiên phong về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.

Khát vọng sống của một học sinh lớp 6 thiếu 2 tay

Lần đầu GS Bao “gặp” Nguyễn Như Linh, học sinh lớp 6 ở xã Thượng Lâm, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội, qua một clip, trước khi bà chia sẻ về một số nội dung cơ bản trong nghiên cứu của mình. Đó là một clip được chiếu cho các nhà khoa học và các khán giả tham gia cuộc giao lưu “Chào tương lai” xem về cuộc sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày của Nguyễn Như Linh.

Linh sinh ra đã bị dị tật, cả 2 tay đều bị khuyết từ khuỷu trở xuống. Bàn chân trái của em chỉ có 4 ngón nên lực vận động của chân này yếu. Khi di chuyển Linh phải đi cà nhắc từng bước một, vậy mà bàn chân ấy đã phải "gánh" nhiệm vụ như một cánh tay (cùng với bàn chân phải) giúp Linh thực hiện các thao tác sinh hoạt, học tập hàng ngày.

Nguyễn Như Linh là một học sinh lớp 6 bị khuyết 2 tay bẩm sinh

Thanh Lâm

Chị Nguyễn Thị Như Nương, mẹ Linh, cho biết những gì em tự làm được hôm nay trong học tập, sinh hoạt hàng ngày vượt xa kỳ vọng của gia đình. Thậm chí, có một số việc Linh làm còn tốt hơn bạn bè cùng trang lứa, chẳng hạn là việc em học giỏi.

Tuy nhiên, dẫu Linh lúc nào cũng mạnh mẽ vươn lên nhưng em không thể sống một cuộc sống bình thường như bao bạn khác, chẳng hạn như việc vệ sinh cá nhân phải có người khác hỗ trợ. Ngay cả ước muốn được bế em bé út bé xíu mới chào đời mấy tháng Linh cũng không thực hiện được khi cô bé chỉ có 2 cùi tay. Linh từng nói nhiều lần, con chỉ ước giá như con có tay thì con làm được nhiều việc hơn cho bố mẹ. Vì những cản trở sinh hoạt cá nhân khiến Linh ngại hoà nhập với bạn bè, ngại giao tiếp.

Cuộc “gặp” trên khiến GS Bao xúc động. Bà cho biết, những gì mà bà và các đồng nghiệp đang nghiên cứu chính là để bù đắp thiệt thòi cho những người khuyết tật như Linh.

Cơ hội cho người mất tay chân và rối loạn xúc giác

Theo GS Bao, sau khi lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Chicago, Mỹ, bà được nhận vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Bell (Bell Laps), một cơ sở nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu với 9 giải thưởng Nobel mà những nhà khoa học làm việc ở đây đã đoạt được.

Thành công của các nghiên cứu thực hiện ở Bell Laps đã khích lệ bà, giúp bà tự tin với hướng nghiên cứu phân tử, tìm xem phân tử có thể giúp bà làm được những gì có ý nghĩa cho con người.

GS Bao với mô hình bàn tay con người, trên đó có các mạch điện kết nối và gửi tín hiệu lên não

Thanh lâm

Sau 8 năm ở Bell Laps, bà chuyển đến giảng dạy tại ĐH Stanford và tiếp tục nghiên cứu về phân tử. Qua trao đổi với các đồng nghiệp, bà nhận thấy trên thế giới có một tỷ lệ dân số nhất định là người khuyết tật về chi (tay, chân) giống như bé Linh, rồi nhiều bệnh nhân cần lấy lại cảm giác của làn da, hoặc người bình thường nhưng do tuổi tác mà gặp khó khăn về xúc giác.

“Đấy là động lực để chúng tôi tiếp tục vượt qua thách thức để nghiên cứu phân tử, tìm xem phân tử nào có thể giúp chúng ta tạo ra da nhân tạo, để giúp những người phải dùng tay nhân hoặc mất cảm giác ở da vẫn có những cái chạm đầy cảm xúc như người bình thường”, GS Bao chia sẻ.

GS Bao cũng cho biết, trong ngành hoá, người ta có thể tạo được làn da nhân tạo từ các hóa chất có thể co giãn, gập kéo… không khác gì da người thật. Vấn đề là cần phải tạo nên bộ cảm biến để giúp con người có thể có được cảm giác “chạm” của làn da.

GS Bao giơ lên mô hình một bàn tay và nói: “Mô hình này khiến chúng tôi phấn khích khi biến cảm giác của ngón tay thông qua mạch điện ở lòng bàn tay, kết nối, gửi tín hiệu lên não như bàn tay của người bình thường, để não người cảm nhận được rồi lại tạo ra tín hiệu. Ban đầu có thể thử với não động vật để kiểm chứng xem bộ cảm biến của da nhân tạo có giống da con người không”.

Nguyễn Như Linh tặng hoa cho GS Bao sau khi giáo sư kết thúc phần chia sẻ của mình tại cuộc giao lưu "Chào tương lai" ở Trường ĐH VinUni sáng 21.1

Thanh Lâm

Kết thúc phần giao lưu của GS Bao, bà được người dẫn chương trình thông báo nán lại sân khấu để nhận hoa do một đại diện khán giả lên tặng. GS Bao quay sang bên trái sân khấu rồi ồ lên khi nhận ra bé gái trong clip ban đầu tập tễnh ôm bó hoa đi cùng bố của em về phía mình.

Được sự động viên của bố, Linh nói: “Cháu tặng hoa cho giáo sư để cảm ơn cô, mong cô sớm hoàn thành nghiên cứu để cháu có được bàn tay bình thường như mọi người”.

GS Zhenan Bao năm nay 52 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa học tại ĐH Chicago, Mỹ. Từ năm 2018, bà là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc ĐH Stanford (eWEAR).

GS Bao đã tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.