Cuộc đời trắc trở của nhà văn Kim Dung với 3 lần đò

31/10/2018 08:58 GMT+7

Tuy tiểu thuyết gia huyền thoại Kim Dung luôn rực sáng trên văn đàn, song hôn nhân của ông không mấy suôn sẻ với 3 lần đò.

Giải mã bút danh “Lâm Hoan”
Cuộc đời của tiểu thuyết gia Kim Dung trải qua 3 đời vợ. Người vợ đầu của ông là tiểu thư khuê cát, rất xinh đẹp có tên Đỗ Trị Phân (杜治芬). Mối tình của họ chớm nở tại Hàng Châu năm 1947 trước khi Kim Dung nhận lời sang làm phóng viên dịch tin quốc tế cho tờ Đông Nam nhật báo ở Hồng Kông. Đám cưới đã được tổ chức trang trọng vào tháng 10.1948 tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Kim Dung rất yêu người vợ đầu này và thường sử dụng bút danh là Lâm Hoan cho các bài viết phê bình điện ảnh, các kịch bản. Tuy ông chưa bao giờ kể về về ý nghĩa của bút danh Lâm Hoan, nhưng em vợ ông từng giải thích rằng Kim Dung đã lấy hai chữ “Mộc” (木) trong phần họ của ông là Tra (查) và vợ là Đỗ (杜), ghép lại thành chữ Lâm (林), còn chữ Hoan (欢) ngụ ý tình cảm hai người lúc đó rất thắm thiết, hạnh phúc.
Đáng tiếc là trong mấy năm đầu sinh sống tại Hồng Kông, do Kim Dung quá bận rộn công việc, không thường xuyên ở bên cạnh chăm sóc bầu bạn với vợ nên người vợ xinh đẹp đã không chịu nổi cảnh lạnh lẽo.
Năm 1950, gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố trong công cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, từ đó ông mất liên lạc với gia đình. Cũng trong giai đoạn này, do không chịu nổi cuộc sống lạnh lẽo ở Hồng Kông do chồng thường xuyên vắng nhà bận rộn công việc, Đỗ Trị Phân vợ ông đã quyết định bỏ về nhà mẹ đẻ ở đại lục và cương quyết đòi ly hôn năm 1951.
Đây là nỗi đau lớn của Kim Dung mà tới tận năm 74 tuổi khi được hỏi lại về quãng đời này, ông vẫn rơi nước mắt mà thốt lên rằng: “Bà ấy đã phản bội tôi!”.
Ảnh cưới giữa Kim Dung với vợ đầu Đỗ Trị Phân Ảnh: Nhật báo Quang Hoa (Hồng Kông)
4 đứa con khôn không níu được người chồng
Bốn người con của Kim Dung (2 trai 2 gái) đều do người vợ thứ hai là nhà báo Chu Mai sinh thành, tiếc rằng không ai sáng tác văn theo nghiệp bố.
Chu Mai cũng rất xinh đẹp tài giỏi, là nữ phóng viên duy nhất của tờ Minh báo (Hồng Kông) thời đó do Kim Dung sáng lập và làm Tổng biên tập. Bà rất thông minh, xinh đẹp, tự lập, tính tình cương cường, cũng là người cùng đồng cam cộng khổ với chồng trong suốt thời gian đầu vất vả thành lập tờ báo. Chu Mai khiến nhiều người phải nể phục khi bà vừa chăm sóc gia đình với 4 đứa con nhỏ, vừa đảm đương nhiều công việc quan trọng trong tòa soạn.
Sau khi Minh báo phát triển rực rỡ cùng nhiều ấn phẩm cũng là lúc cuộc hôn nhân thứ hai của Kim Dung rạn nứt. Ông đã phải lòng người phụ nữ khác và cương quyết đòi ly hôn sau 23 năm chung sống. Đau đớn, Chu Mai đưa ra hai yêu cầu tưởng chừng chồng không thể đáp ứng: 1. Bồi thường một khoản tiền rất lớn. 2. Yêu cầu người vợ sau phải thắt ống dẫn trứng để không sinh con tiếp. Thật không ngờ cả hai điều kiện này đều được Kim Dung nhất trí. Chu Mai sau khi ly hôn đã sống ẩn dật, không chịu gặp gỡ ai và đã mất trong cô đơn khi mới 63 tuổi. Sau này được hỏi về bà, Kim Dung không khỏi ngậm ngùi thừa nhận: “Tôi có lỗi với bà ấy! Tôi là một người chồng thất bại. Bà ấy qua đời, tôi rất đau lòng”.
Tra Truyền Hiệp con trai đầu của ông đã treo cổ tự sát hồi tháng 10.1976 khi đang học năm thứ nhất Đại học Columbia vì cãi nhau với bạn gái, kết thúc cuộc đời khi chưa đầy 20 tuổi. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nguyên nhân kích động dẫn tới cái chết thương tâm này bởi cha mẹ anh đang cự cãi đòi ly hôn.
Tra Truyền Thi, cô con gái thứ ba của Kim Dung lại bị điếc năm lên 5 tuổi do sốt cao, bị tiêm thuốc quá liều. Đây cũng chính là thời điểm Kim Dung đưa gia đình chạy trốn sang Singapore bởi Cách mạng văn hóa bùng nổ và ông bị xếp vào vị trí thứ hai của nhóm cần thanh trừng. Tra Truyền Thi sau này cũng trở thành phóng viên, Phó tổng biên tập tờ Minh báo buổi tối.
Vốn đam mê ẩm thực, Tra Truyền Thích, con trai thứ hai của Kim Dung, từng mở nhà hang và làm cố vấn ẩm thực cho các nhà hàng cao cấp. Trong khi đó cô con út của ông lại đi theo nghề họa sĩ.
Kim Dung với cô vợ thứ 3 Lâm Lạc Di luôn đồng hành cùng nhau trong các hoạt động Ảnh: Nhật báo Quang Hoa (Hồng Kông)
Cuộc hôn nhân chênh lệch 29 tuổi
Nhiều bạn bè của Kim Dung không thể hiểu nổi tại sao ông lại ly dị với người vợ tài hoa cùng đồng cam cộng khổ với mình, để lấy một cô gái trẻ nghèo khó, kém ông tới 29 tuổi, đặc biệt lại không có vị trí xã hội và tài năng gì nổi bật.
Bất chấp dư luận, ông và người vợ thứ ba là Lâm Lạc Di, một cô phục vụ vẫn cùng nhau xuất hiện ở mọi nơi. Lâm Lạc Di (khi ấy mới 16 tuổi) gặp Kim Dung vào đúng thời điểm ông đau buồn về cái chết của con trai cả, nên thường đi uống rượu giải sầu một mình. Lâm Lạc Di sau khi nhận ra thần tượng của mình đã hết lòng động viên, giúp ông bình tâm và vượt qua nỗi đau mất con. Cô đã nguyện dốc hết thời gian và sức lực của cả cuộc đời mình để chăm sóc ông.
Cảm phục trước sự hi sinh của cô gái trẻ, Kim Dung đã chu cấp tiền bạc cho Lâm Lạc Di sang Anh du học một thời gian.
Sau này khi được hỏi về cuộc hôn nhân này, tiểu thuyết gia đã chia sẻ: “Quan trọng nhất là hai bên tôn trọng lẫn nhau. Thường ngày cô ấy luôn nhường nhịn tôi. Khi cô ấy bực tức, tôi cũng cố nhịn không cãi trả. Nói về quan hệ vợ chồng với cô ấy thì tôi cũng không được coi là thành công, cũng không tính là thất bại. Nói chung cuộc sống vợ chồng rất bình thường”.
Người hâm mộ Kim Dung lại rất ngưỡng mộ Lâm Lạc Di, thậm chí còn gọi cô là “Tiểu Long Nữ” của “minh chủ” Kim Dung và mừng cho ông có người chăm sóc chu đáo tới tận cuối đời.
Nhà văn Kim Dung cũng không giấu diếm về tâm tư tình cảm, những thăng trầm biến động của cuộc đời mình qua các trang viết. Trong các tác phẩm của ông cũng có bội phản, có tình yêu thiết tha, có sự hi sinh, có sự khó xử khi tình đã hết mà nghĩa vẫn còn. Giở lại các tác phẩm võ hiệp kinh điển của ông thấm đẫm nhân sinh quan và tư tưởng về con người, về cuộc đời của nhà văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.