Cuộc đối đầu 'không đội trời chung' giữa Thái tử Ả Rập Xê Út và Tổng thống UAE

27/07/2023 18:13 GMT+7

Rạn nứt giữa hai nhà lãnh đạo vùng Vịnh phản ánh cuộc cạnh tranh quyền lực địa chính trị và kinh tế ở khu vực Trung Đông, cũng như trong thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman (MBS) từng mời các nhà báo ở Riyadh tham dự một cuộc trao đổi không chính thức hiếm hoi vào tháng 12 năm ngoái, và trong cuộc gặp đó, ông đã có những phát biểu gây sốc. Ông nói Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đồng minh của Riyadh trong nhiều thập niên, đã "đâm sau lưng chúng ta".

"Họ sẽ thấy những gì tôi có thể làm", thái tử nói với các nhà báo, theo những người có mặt tại cuộc gặp.

Những lời lẽ đó được cho là nhắm thẳng vào Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan (MBZ), người một thời từng là cố vấn của Thái tử MBS. Cùng xuất thân hoàng tộc và từng mất gần một thập niên để leo lên đỉnh cao của thế giới Ả Rập, hai nhà lãnh đạo nay đang đối đầu với nhau để trở thành thế lực có ảnh hưởng nhất ở Trung Đông, nơi mà vai trò của Mỹ đã suy giảm, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

Không đội trời chung: Cuộc đấu giữa Thái tử Ả Rập Xê Út và Tổng thống UAE - Ảnh 1.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan ở Abu Dhabi vào năm 2019

REUTERS

Trong những vấn đề dẫn đến căng thẳng là việc Riyadh và Abu Dhabi có những lợi ích khác nhau ở Yemen, làm suy yếu các nỗ lực chấm dứt xung đột ở đó. Ngoài ra, sự bất mãn của UAE trước áp lực của Ả Rập Xê Út trong việc tăng giá dầu toàn cầu đang tạo ra những rạn nứt mới trong Tổ chức Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Hai nước cũng ngày càng cạnh tranh về kinh tế. Là một phần trong kế hoạch của Thái tử MBS nhằm đưa nền kinh tế Ả Rập Xê Út thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, ông đang thúc đẩy các công ty chuyển trụ sở khu vực của họ từ Dubai thuộc UAE đến thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út. Ông cũng đang khởi động kế hoạch thành lập các trung tâm công nghệ, thu hút nhiều khách du lịch hơn và phát triển các trung tâm hậu cần có thể cạnh tranh với vị trí trung tâm thương mại Trung Đông của UAE.

Các quan chức Mỹ cho biết họ lo ngại rằng tình trạng đối đầu này ở vùng Vịnh có thể khiến việc thành lập một liên minh an ninh thống nhất để chống lại Iran, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Yemen và mở rộng quan hệ ngoại giao của Israel với các quốc gia Hồi giáo sẽ trở nên khó khăn hơn.

Công khai bất hòa

Trong các tuyên bố riêng biệt trả lời báo WSJ, một quan chức UAE phát ngôn cho chính phủ cho biết những nhận định về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo là "hoàn toàn sai sự thật và thiếu cơ sở", trong khi một quan chức Ả Rập Xê Út nói rằng chuyện này "đơn giản là không chính xác".

Song Thái tử MBS và Tổng thống MBZ hiện đã không nói chuyện với nhau trong hơn 6 tháng, và những tranh chấp giữa họ từ riêng tư đã biến thành công khai, theo những người thân cận với họ.

Ông MBZ đã bỏ qua một hội nghị thượng đỉnh của các nước Ả Rập mà Thái tử MBS đã tổ chức nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Riyadh vào tháng 12 năm ngoái và đã không tham gia cuộc bỏ phiếu của Liên đoàn Ả Rập vào tháng 5 để cho phép Syria trở lại khối. Bản thân ông MBS đã vắng mặt khi ông MBZ gặp các nhà lãnh đạo Ả Rập tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực được sắp xếp vội vàng ở UAE vào tháng 1.

Trong cuộc gặp các nhà báo vào tháng 12.2022, Thái tử MBS cho biết ông đã gửi cho UAE một danh sách các yêu cầu và cảnh báo rằng nếu Abu Dhabi không tuân theo, Ả Rập Xê Út sẵn sàng thực hiện các bước trừng phạt, giống như đã làm với Qatar vào năm 2017. Riyadh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha trong hơn 3 năm, đồng thời dẫn dắt chiến dịch tẩy chay kinh tế cô lập Qatar, với sự giúp đỡ từ UAE.

"Mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn những gì tôi đã làm với Qatar", ông nói với các nhà báo, theo những người có mặt trong cuộc gặp.

Không đội trời chung: Cuộc đấu giữa Thái tử Ả Rập Xê Út và Tổng thống UAE - Ảnh 2.

Thái tử MBS

REUTERS

Kể từ cuộc gặp đó, Thái tử MBS, người cũng là Thủ tướng Ả Rập Xê Út, đã tiến hành một loạt động thái ngoại giao và chấm dứt tình trạng cô lập chính trị đối với ông sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Ông đã nhờ Trung Quốc giúp khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Xê Út với Iran và sau đó dàn xếp để Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập, quá trình mà UAE đã khởi xướng vài năm trước đó. Ông cũng đang đàm phán với Mỹ về việc chính thức công nhận Israel, việc mà UAE đã làm vào năm 2020. Vị thái tử hiện dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm dập tắt bạo lực ở Sudan, nơi UAE ủng hộ phe đối lập.

Cũng vào cuối năm ngoái, Tổng thống MBZ đã cảnh báo riêng với Thái tử MBS rằng hành động của ông đang làm suy yếu mối quan hệ giữa hai quốc gia. Ông cáo buộc thái tử Ả Rập Xê Út đã quá gần gũi với Nga thông qua các chính sách dầu mỏ, cũng như có những bước đi rủi ro, chẳng hạn như thỏa thuận ngoại giao với Iran, mà không trao đổi với UAE, các quan chức vùng Vịnh cho biết.

Từng là đồng minh

"Căng thẳng đang gia tăng giữa họ, một phần vì MBS muốn thoát ra khỏi cái bóng của MBZ. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn, bởi vì cả hai đang ngày càng tự tin và quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của mình", Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao tại Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG, một tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách có trụ sở tại Bỉ), cho biết.

Theo WSJ, ông MBS, 37 tuổi, và ông MBZ, 62 tuổi, gần như không biết nhau trước chuyến cắm trại qua đêm ở sa mạc tại Ả Rập Xê Út vào khoảng đầu năm 2016. Cùng với những chú chim ưng đã được huấn luyện và một đoàn tùy tùng nhỏ, chuyến đi chơi theo truyền thống vùng Vịnh được xem là bước ngoặt trong tình bạn của họ.

Ông MBZ và các quan chức cấp cao khác của UAE đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ ông MBS. Chính ông MBZ đã giúp sắp xếp chuyến đi của ông Trump tới Ả Rập Xê Út vào năm 2017, củng cố vị thế của ông MBS. Hoàng tử Ả Rập Xê Út sau đó đã trở thành thái tử kế vị không ai có thể thay thế.

Không đội trời chung: Cuộc đấu giữa Thái tử Ả Rập Xê Út và Tổng thống UAE - Ảnh 3.

Tổng thống MBZ

REUTERS

Ông MBS và ông MBZ đã thành lập một liên minh chính sách đối ngoại can thiệp vào Yemen, củng cố quyền lực của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi ở Ai Cập, trang bị vũ khí cho các chiến binh Libya ở miền đông đất nước bị chia cắt và tẩy chay Qatar vì quan hệ với Iran và các phần tử Hồi giáo.

Song giờ đây, ông MBS cảm thấy rằng ông MBZ đã đưa mình vào những cuộc xung đột thảm khốc phục vụ lợi ích của UAE chứ không phải Ả Rập Xê Út, theo các quan chức vùng Vịnh.

Từ OPEC đến Yemen

Rạn nứt xuất hiện vào tháng 10 năm ngoái khi OPEC quyết định cắt giảm sản lượng trong một động thái gây bất ngờ cho chính quyền Biden. UAE đã đồng ý với việc cắt giảm, nhưng nói riêng với các quan chức Mỹ và giới truyền thông rằng Ả Rập Xê Út đã buộc nước này phải tham gia vào quyết định.

Động thái này phản ánh sự bất hòa dai dẳng giữa Riyadh và Abu Dhabi về chính sách trong OPEC, tổ chức mà Riyadh từ lâu đã thống trị với tư cách nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. UAE đã nâng năng lực sản xuất dầu của mình lên mức hơn 4 triệu thùng mỗi ngày và có kế hoạch vượt qua mức 5 triệu, nhưng theo chính sách của OPEC, họ chỉ được phép khai thác không quá 3 triệu thùng/ngày, khiến nước này thiệt hại hàng trăm tỉ USD doanh thu.

Việc gia tăng năng lực sản xuất dầu cũng giúp UAE có thể tăng hoặc giảm sản lượng, kéo theo đó là giá dầu toàn cầu. Cho đến gần đây, chỉ có Ả Rập Xê Út mới nắm giữ loại sức mạnh thị trường đó.

Theo các quan chức vùng Vịnh và Mỹ, UAE đã bất bình đến mức họ nói với giới chức Mỹ rằng họ sẵn sàng rút khỏi OPEC. Các quan chức Mỹ coi đây là cảm xúc nhất thời của UAE, không phải là mối đe dọa thực sự. Tại cuộc họp gần đây nhất của OPEC vào tháng 6, UAE được phép tăng nhẹ sản lượng và bộ trưởng năng lượng của nước này đã bắt tay với người đồng cấp Ả Rập Xê Út.

Sự chia rẽ giữa hai nhà lãnh đạo có khả năng sẽ làm suy yếu những nỗ lực đang diễn ra nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, nơi mà Ả Rập Xê Út, UAE và một loạt các phe phái ở Yemen đứng ở bên kia chiến tuyến với phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Houthi đã chiếm phần lớn đất nước vào năm 2014, bao gồm cả thủ đô San'a.

UAE tiếp tục ủng hộ phong trào ly khai Yemen đang tìm cách khôi phục một nhà nước Yemen ở phía nam. Điều này có thể làm suy yếu những nỗ lực để duy trì sự thống nhất tại Yemen. Các chiến binh được Ả Rập Xê Út và UAE hậu thuẫn và hợp tác để đánh bại lực lượng Houthi đã có lúc quay lưng lại với nhau trong những năm qua.

Vào tháng 12, UAE đã ký một thỏa thuận an ninh với hội đồng lãnh đạo tổng thống Yemen mà Riyadh chống lưng, cho phép Abu Dhabi có quyền can thiệp vào Yemen và vùng biển của nước này. Các quan chức Ả Rập Xê Út coi đây là thách thức đối với chiến lược Yemen của họ.

Ả Rập Xê Út có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu từ vương quốc này đến biển Ả Rập đi qua tỉnh Hadramout của Yemen, với một cảng biển ở thủ phủ Mukalla của tỉnh này. Các lực lượng được UAE hỗ trợ ở Hadramout đe dọa những kế hoạch đó.

"Hai quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng gây hấn với nhau trong khu vực. Yemen chỉ là tiền tuyến đầu tiên", nhà nghiên cứu Farea Al-Muslimi của Chatham House (tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách ở Anh) viết trên Twitter.

Nếu Ả Rập Xê Út rút khỏi Yemen bây giờ, phía bắc do Houthi kiểm soát sẽ liên kết với Iran và phía nam sẽ liên kết với UAE, khiến Riyadh có rất ít khả năng can dự, các quan chức Yemen cho biết, phản ánh những lo ngại của Ả Rập Xê Út.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.