Tham vọng vẽ lại chuỗi cung ứng chip

Cuộc chơi lớn của Intel trong chiến lược của Mỹ

Ngô Minh Trí
(từ San Jose, California)
23/02/2024 07:00 GMT+7

Sau nhiều đồn đoán, Intel đã chính thức công bố chiến lược phát triển mảng đúc chip bán dẫn như một bước đi quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngành này.

Hôm qua (22.2, theo giờ Việt Nam), sự kiện Intel Foundry Direct Connect đã diễn ra tại TP.San Jose (bang California, Mỹ).

Cuộc chơi lớn của Intel trong chiến lược của Mỹ- Ảnh 1.

CEO Pat Gelsinger công bố về Intel Foundry

Ảnh: N.M.T

Intel Foundry Direct Connect được xem là một sự kiện quan trọng của ngành chip bán dẫn khi có sự tham gia trực tuyến của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) Microsoft Satya Nadella. Ngoài ra còn có sự hiện diện trực tiếp của ông Rene Haas - CEO Arm, ông Sam Altman - CEO OpenAI, ông Aart de Geus - CEO kiêm nhà sáng lập Synopsys, cùng lãnh đạo của nhiều tên tuổi trong ngành công nghệ như Siemens, MediaTek…

Cuộc chơi của Intel

Tại sự kiện này, ông Pat Gelsinger, CEO Intel, chính thức công bố ra mắt Intel Foundry - doanh nghiệp đúc chip hệ thống đầu tiên trên thế giới - để đáp ứng kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Gelsinger cho rằng: "AI đang thay đổi thế giới và cách chúng ta định nghĩa về công nghệ và chất bán dẫn để hỗ trợ sức mạnh ngược lại cho chính AI. Điều này đã mang đến cơ hội chưa từng có cho những nhà thiết kế chip sáng tạo nhất trên thế giới và cho Intel Foundry, nhà máy gia công theo hệ thống đầu tiên toàn cầu phục vụ cho kỷ nguyên AI".

Cuộc chơi lớn của Intel trong chiến lược của Mỹ- Ảnh 2.

Bộ trưởng Raimondo phát biểu trực tuyến tại sự kiện

Ảnh: N.M.T

Theo đó, Intel Foundry hướng đến tối ưu hóa toàn bộ hệ thống đúc chip đồng bộ cao từ sản xuất đến đồng bộ phần mềm nhằm đáp ứng kỷ nguyên AI đang bùng nổ. Intel và hệ sinh thái liên quan cho phép khách hàng đổi mới trên toàn bộ hệ thống. Như thế, Intel giờ đây không chỉ là nhà phát triển chip mang thương hiệu chính mình mà còn mở ra mảng đúc chip để sản xuất chip cho các đối tác với một hệ sinh thái toàn diện để đáp ứng từng yêu cầu chuyên biệt của đối tác. Intel đặt ra tham vọng trở thành công ty đúc chip lớn thứ 2 thế giới vào năm 2030.

Cũng tại sự kiện trên, đại diện các đối tác liên quan như Synopsys, Cadence, Siemens, Ansys, Lorentz và Keysight khẳng định đã sẵn sàng để phối hợp cùng Intel trong chiến lược trên.

Intel cũng đã công bố việc mở rộng lộ trình "4 năm 5 nốt" (đạt được 5 bước tiến về tiến trình chip bán dẫn trong 4 năm). Cụ thể hơn, Intel công bố sẽ hướng đến quy trình 14A - tức sản xuất chip đạt tiến trình 1,4 nm - để nối tiếp quy trình 18A (sản xuất chip tiến trình 1,8 nm) vốn đang được xúc tiến ngay trong năm nay.

Phát biểu tại sự kiện trên dưới hình thức trực tuyến, Chủ tịch kiêm CEO Microsoft Satya Nadella tuyên bố rằng Microsoft đã chọn một thiết kế chip mà họ dự định sản xuất trên quy trình Intel 18A để hợp tác với Intel.

Thách thức không nhỏ

Việc xúc tiến quy trình 18A rồi 14A được xem là chiến lược của Intel nhằm giành lại vị thế tiên phong về quy trình sản xuất chip, bởi tập đoàn này vẫn đang sản xuất chip tiến trình 5 nm trong khi Samsung (Hàn Quốc) và TSMC (Đài Loan) đang sản xuất chip tiến trình 3 nm. Cả 3 tên tuổi này đang chạy đua để sớm sản xuất chip bán dẫn tiến trình 2 nm trong năm 2025. Samsung đặt ra mục tiêu sản xuất chip 1,4 nm vào năm 2027 và TSMC cũng đặt ra mục tiêu tương tự. Chính vì thế, Intel sẽ đối mặt sự cạnh tranh không nhỏ từ Samsung và TSMC.

Cuộc chạy đua quy trình chip càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh AI bùng nổ đòi hỏi những chip bán dẫn có hiệu suất vượt trội để đáp ứng các tác vụ phát triển AI. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ phải kể đến là rút ngắn các bước phát triển quy trình chip bán dẫn dẫn đến việc giá thành tăng lên, do các quy trình sản xuất không tối ưu hóa chi phí.

Chuyện không chỉ của Intel

Về mảng đúc chip, dù đưa ra mục tiêu cho Intel Foundry là xếp thứ 2 thế giới về đúc chip, nhưng Intel không tiết lộ dự kiến sẽ đứng sau đối thủ nào.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, TSMC hiện đang dẫn đầu ngành đúc chip toàn cầu với thị phần 60%, tiếp theo là Samsung với 13%, thứ ba là UMC (Đài Loan) chiếm 6%. Trong bối cảnh eo biển Đài Loan thường xuyên căng thẳng, việc lệ thuộc quá lớn vào những nhà đúc chip của Đài Loan trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho Mỹ, nhất là giữa lúc Mỹ - Trung cạnh tranh căng thẳng.

Phát biểu qua hình thức trực tuyến tại Intel Foundry Direct Connect, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo nhấn mạnh: "Chúng ta cần đa dạng chuỗi cung ứng chip bán dẫn, tăng cường hoạt động sản xuất của ngành này ngay tại nước Mỹ, đặc biệt là các loại chip tiên tiến vốn cần thiết để phát triển AI".

Bà Raimondo khẳng định Mỹ cần giữ vững vị thế tiên phong về công nghệ tiên tiến và việc đảm bảo năng lực tự chủ về sản xuất chip bán dẫn sẽ giúp đạt được mục tiêu vừa nêu.

Chính vì thế, Intel Foundry có thể sẽ có vai trò chiến lược để hoàn thiện hệ thống cung ứng về chip bán dẫn trong chiến lược tăng cường tự chủ toàn diện của Mỹ về vấn đề này.

CEO Intel đánh giá cao Việt Nam

Trả lời Thanh Niên bên lề sự kiện Intel Foundry Direct Connect, CEO Intel Pat Gelsinger chia sẻ: "Chúng tôi rất hài lòng với nhà máy của Intel ở Việt Nam. Đó là một khoản đầu tư tuyệt vời cho Intel và chúng tôi đã từng bước tăng cường hoạt động của nhà máy này trong 20 năm qua. Cụ thể hơn, chúng tôi đã tăng gấp đôi mức đầu tư so với kế hoạch ban đầu". Ông nhấn mạnh lại rằng Intel rất hạnh phúc với những gì có được tại Việt Nam.

Ông nhận xét thêm: "Rất nhiều nhà máy đã chuyển dịch vào Việt Nam. Hiện tại có một nhu cầu khá lớn về mở rộng sản xuất tại Việt Nam".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.