Cuộc chơi cho ban nhạc Việt

15/04/2019 07:00 GMT+7

Ban nhạc Việt đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, rồi lụi dần. Sau thời gian dài vắng bóng, gần đây đã xuất hiện những cuộc chơi từ liên hoan đến chương trình truyền hình thực tế dành cho các ban nhạc.

Liên hoan trở lại
“Ở VN, các ban nhạc có lẽ không trông chờ điều gì (như liên hoan, game show...), có thì tốt mà không thì họ vẫn hoạt động. Đa phần các bạn đang chơi nhạc trong các bar, sân khấu ở quán cà phê nhạc sống... Có ban chơi rất hay vẫn đánh ở nhà hàng, tiệc cưới. Chúng ta đang rất thiếu sân chơi, môi trường chuyên nghiệp để họ giới thiệu bản thân mình cũng như có động lực để học hỏi thêm”, Viết Thanh, thủ lĩnh ban nhạc rock Unlimited, chia sẻ.
Sau gần 30 năm, Liên hoan Các ban nhạc toàn quốc bất ngờ được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) tổ chức trở lại. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 18 - 20.4 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) với sự góp mặt của 10 ban nhạc: Gom Band, VAKE Band, Yellow Star, Phương Đông, 9th Hole, Wild Shadow, Minh Ước n Friends, Locker Band, Gác 2, Sunday Chill. Mỗi ban nhạc trình diễn 5 tiết mục (gồm hòa tấu, ca khúc), phong cách chủ đạo là pop, rock.
NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), vẫn nhớ lần cuối Liên hoan Các ban nhạc toàn quốc được tổ chức là vào năm 1992. “Sau đó, cuộc thi phải dừng lại vì nhiều lý do”, ông nói. Trong đó có việc công nghệ số phát triển nhanh, môi trường biểu diễn nghệ thuật thay đổi, nhu cầu thưởng thức cũng khác đi... “Người ta chỉ cần ca sĩ biểu diễn, rồi bật nhạc lên. Nhiều đơn vị nghệ thuật tìm cách tinh giản biên chế dàn nhạc, ban nhạc”, NSND Nguyễn Quang Vinh nhớ lại. Sau thời gian dài vắng bóng, đến giờ, việc xuất hiện của dàn nhạc hay ban nhạc sống lại cho thấy đẳng cấp hay sự xa xỉ của chương trình biểu diễn nghệ thuật. “Chúng tôi muốn khôi phục đời sống của ban nhạc Việt”, ông Vinh nói. Đây cũng là một trong những lý do để Cục NTBD đưa Liên hoan Các ban nhạc toàn quốc quay lại.
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, thành viên của ban nhạc Hoa Sữa - một trong những ban nhạc đình đám những năm 1970 - 1980, từ lâu đã mong chờ sự trở lại của sân chơi này từ. Nghệ sĩ nói, ông có niềm tin vào thế hệ ban nhạc mới. NSND Phạm Ngọc Khôi cho hay, trước đây, hầu như thành viên của các ban nhạc là những người bạn cùng chơi với nhau, đam mê rồi cùng hợp lại chơi phục vụ nhu cầu người nghe. “Trong khi đó, thế hệ mới được đào tạo chuyên sâu hơn, có trình độ tốt hơn”, NSND Phạm Ngọc Khôi nhìn nhận.

Có tạo nên cú hích?

Mới đây, mùa 2 của chương trình truyền hình thực tế dành cho các ban nhạc - Ban nhạc Việt vừa kết thúc với chiến thắng thuộc về Fire Band. Sự thành công của mùa đầu tiên, với chiến thắng thuyết phục của ban nhạc rock An Nam (đội huấn luyện viên - nhạc sĩ Phương Uyên) khi sáng tác ca khúc dựa trên chất liệu sử Việt, đã khiến sân chơi này được chú ý hơn trong mùa 2, thu hút gần 200 ban nhạc tham gia tuyển chọn (trong khi mùa đầu có khoảng 60 ban).
Trong lần ra mắt chương trình Ban nhạc Việt, ca sĩ - nhạc sĩ Phương Uyên, cựu thành viên ban nhạc Ba Con Mèo, chia sẻ khi mới thành lập, nhóm chơi nhạc vô cùng hăng say nhưng sau đó, chính việc chuẩn bị cho mỗi lần biểu diễn (thử âm thanh) quá mất thời gian đã khiến nhóm đành bỏ nhạc cụ đi để hát cho nhanh và tiện. Chị cũng cho rằng, hiện nay vẫn có sự mất cân bằng giữa ban nhạc và ca sĩ trong đời sống nhạc Việt. Vì vậy, những sân chơi như Ban nhạc Việt không chỉ truyền cảm hứng đến cộng đồng chơi nhạc, mà còn tạo cơ hội cho các ban nhạc được trau dồi kiến thức lẫn kinh nghiệm, cũng là tạo đà cho các ban nhạc có khả năng phát huy hơn sự sáng tạo, cộng hưởng của mình. Nhạc sĩ Đức Trí, cựu thành viên ban nhạc Đen Trắng, nhìn nhận chương trình tuy có tính chất cuộc thi nhưng các ban không chỉ thi thố mà quan trọng hơn là có dịp được nghe những góp ý từ thế hệ trước, được cọ xát để biết khả năng mình đến đâu. Như chia sẻ của Phương Uyên thì có những ban tham gia để tìm kiếm tương lai tốt hơn...
Ở góc độ khác, nhạc sĩ Lê Quang, cựu thành viên ban nhạc Da Vàng, nhìn nhận: “Thời gian qua, dù thiếu vắng sân chơi nhưng những ban nhạc từ nam ra bắc vẫn chơi nhạc, vẫn đam mê, vẫn sống, tồn tại trong thế giới underground của mình. Sự xuất hiện của chương trình Ban nhạc Việt, hay sự trở lại của Liên hoan Các ban nhạc toàn quốc cho thấy đó là tín hiệu tốt, để chúng ta nhìn nhận đúng vai trò, giá trị của các ban nhạc trong thị trường mà nhiều năm qua gần như chỉ có sự lên ngôi của ca sĩ”.
NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết, Liên hoan Các ban nhạc toàn quốc trước đây được tổ chức 5 năm/lần. Sau lần quay trở lại này, nếu làm tốt, liên hoan sẽ diễn ra định kỳ 3 năm/lần. Theo ông Vinh, ban tổ chức không thể “quản lý” ban nhạc sau liên hoan. “Có trường hợp ban nhạc được lập ra, nhưng thành viên trong ban đó lập gia đình, sinh con nên không tiếp tục được nữa. Hoặc cũng có ban mà thành viên muốn chuyển hướng hoạt động”, ông Vinh nói. Tuy vậy, quyền Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, việc tổ chức liên hoan là cơ hội để nhà quản lý có thể nắm được sự thay đổi của đời sống âm nhạc, đưa ra các chính sách, hay bổ sung những sự kiện biểu diễn. Cục NTBD cũng đã nghĩ đến việc tạo điều kiện để những ban nhạc xuất sắc tham gia vào các chương trình nghệ thuật để đưa họ đến gần hơn với công chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.