'Cuộc chiến công hàm' về Biển Đông có thể là cơ sở tham khảo cho COC

Vũ Hân
Vũ Hân
17/11/2020 19:31 GMT+7

" Cuộc chiến công hàm " được các học giả nhận định là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước yêu sách dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông.

Công hàm của các nước đều phản đối các yêu sách vùng biển phi lí của Trung Quốc

Cuộc chiến công hàm giữa các quốc gia là một điểm nổi bật trong tình hình Biển Đông năm nay và đã được các diễn giả tham gia Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông bàn luận sôi nổi.
Qua bàn luận về cuộc chiến công hàm này, các học giả khẳng định, UNCLOS 1982 có giá trị phổ quát và toàn diện, có phạm vi điều chỉnh tất cả các vấn đề trên biển.
Công hàm của các nước đều trực tiếp và gián tiếp đề cập tới Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 của Philippines, phản đối tất cả các yêu sách vùng biển phi lí của Trung Quốc.
Uỷ ban ranh giới thềm lục địa đã trở thành nơi lưu giữ chính thức tất cả các công hàm, công thư phản đối các yêu sách vùng biển thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhiều học giả khẳng định không tồn tại một quy chế đặc biệt nào cho phép các quốc gia lục địa được vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo, quần đảo xa bờ.
Bên cạnh đó, các công hàm/công thư trao đổi ở Liên Hiệp Quốc đã có những đóng góp giá trị trong việc làm rõ và củng cố lập trường pháp lý của các bên liên quan. Đây là nguồn tài liệu quan trọng thể hiện quan điểm của các bên yêu sách về vấn đề Biển Đông.
Cuộc tranh luận bằng công hàm được các học giả nhận định là cách đấu tranh chính thức, hòa bình và mang lại sự minh bạch vì các nước yêu sách dần làm rõ các yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời công bố công khai với cộng đồng quốc tế.
Diễn biến pháp lý này cũng có thể là cơ sở tham khảo cho các bên trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đáng chú ý, có học giả còn đề xuất một số quốc gia ASEAN có nhiều điểm đồng trong vấn đề pháp lý có thể hướng tới một tuyên bố lập trường chung về Biển Đông.

Việc cố tình che giấu thông tin và cung cấp thông tin sai lệch có thể phản tác dụng

Điểm mới của hội thảo năm nay là có một phiên riêng dành cho các nhà báo, như một "người chơi" trong định hình vấn đề Biển Đông, chứ không đơn thuần chỉ là người đưa tin.
Các cây bút quốc tế nổi tiếng viết về Biển Đông đã được mời tham gia diễn đàn này.
Các diễn giả cho rằng, sự cạnh tranh định hình dư luận về Biển Đông đã diễn ra ở phạm vi rộng, với nhiều hình thức khác nhau. Đối với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông gắn với “giấc mộng Trung Hoa” và họ sẽ không từ bỏ.
Tuy nhiên, việc một số cơ quan truyền thông đưa tin từ góc độ chủ nghĩa dân túy có thể làm sai lệch thông tin, có hại cho việc thúc đẩy hợp tác quản lý và giải quyết hoà bình các tranh chấp. Ngược lại, các nhà báo cũng cho rằng, việc cố tình che giấu thông tin và cung cấp thông tin sai lệch có thể phản tác dụng với chính chính phủ các nước.
Các học giả cũng khuyến nghị công chúng cần tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống và đối chiếu các nguồn thông tin với nhau để có được góc nhìn khoa học, chân thực nhất có thể về một vấn đề chính trị nóng bỏng như Biển Đông.
Diễn giả Oriana Skylar Mastro từ Đại học Standford cho rằng hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông không thay đổi nhiều về mặt số lượng, nhưng nước này đã sử dụng truyền thông để phát đi tín hiệu về năng lực quân sự, đặc biệt là tới Mỹ. Đã có sự xoay chuyển trong cách truyền thông đưa về phản ứng của Trung Quốc trước các sự cố. Thông thường, nước này hạ thấp năng lực quân sự của mình, nhưng nay đã thổi phồng nó.
Nhà báo Kristin Huang từ South China Morning Post cho rằng Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của chính chính sách của mình. Việc kiểm duyệt và cấm các mạng xã hội quốc tế như Facebook, Twitter, Youtube, Google… khiến thiếu vắng tiếng nói của Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội quốc tế, dẫn đến việc họ khó lan truyền câu chuyện Biển Đông theo nhãn quan của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.