Cuộc chạy đua kiểm soát vận hành trí tuệ nhân tạo

29/04/2023 09:16 GMT+7

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) tạo sinh, các nước đang tăng tốc nỗ lực bảo vệ bản quyền cũng như quyền của người sử dụng.

Trong vòng 3 tháng, ChatGPT của OpenAI (trụ sở San Francisco, California, Mỹ) trở thành ứng dụng thu hút 100 triệu người sử dụng. Bên cạnh những tiềm năng, sự hiện diện của ChatGPT và các ứng dụng tương tự mang đến không ít nguy cơ, buộc các quốc gia phải nhanh chóng ứng phó.

EU tìm cách quản lý AI sáng tạo

Ủy ban Châu Âu (EC) gần 2 năm trước đã bắt tay vào việc xây dựng dự luật với mục tiêu kiểm soát những nguy cơ tiềm tàng đến từ AI. Và đến nay, Reuters hôm qua đưa tin Liên minh Châu Âu (EU) đang ở giai đoạn cuối cùng trước khi ban hành bộ luật toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý việc sử dụng AI tạo sinh, bao gồm chatbot ChatGPT.

Công nghệ AI: Cần biết gì để bớt hoang mang?

Theo dự thảo Đạo luật AI, các công ty vận dụng những công cụ AI sẽ phải cung cấp mọi nội dung có bản quyền trong quá trình phát triển hệ thống của mình. Những công cụ AI sẽ được phân loại dựa trên mức độ nguy cơ, từ tối thiểu đến có mức độ giới hạn, cao và không thể chấp nhận được. Dự thảo Đạo luật AI hướng đến những lĩnh vực gây quan ngại như giám sát sinh trắc học, thông tin sai lệch và ngôn ngữ phân biệt đối xử. Trong khi những công cụ có mức độ nguy cơ cao sẽ không bị cấm sử dụng, việc triển khai chúng sẽ phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề minh bạch.

Cuộc chạy đua kiểm soát vận hành trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

AI tạo sinh đang nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng trên toàn cầu

Reuters

Yêu cầu công khai những nội dung có bản quyền khi phát triển các hệ thống AI chỉ được bổ sung gần đây sau sự xuất hiện chấn động của những ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT, theo Reuters dẫn những nguồn thạo tin. Ban đầu, một số thành viên EC đề xuất cấm hoàn toàn việc sử dụng nội dung có bản quyền trong quá trình huấn luyện những mô hình AI tạo sinh. Tuy nhiên, đề xuất này được loại bỏ và thay vào đó là yêu cầu minh bạch trong hoạt động.

Nghị sĩ Svenja Hahn của Nghị viện châu Âu, nhận định dự luật đang được cân nhắc sẽ cho phép EU bảo vệ quyền lợi của người dân, mang đến mức độ phản lý thích hợp đối với công nghệ AI, trong khi vẫn tạo điều kiện cho sự sáng tạo và thúc đẩy nền kinh tế. Một khi Nghị viện châu Âu nhất trí về quan điểm đối với dự luật, EC và các nghị sĩ sẽ phối hợp soạn thảo phiên bản cuối cùng, với kỳ vọng sẽ ban hành thành luật trước khi chấm dứt nhiệm kỳ của Nghị viện châu Âu vào năm 2024.

AI sáng tác nghệ thuật, ai sở hữu bản quyền?

Động thái của Trung Quốc, Mỹ

Sự trỗi dậy của AI tạo sinh cũng buộc giới hữu trách Trung Quốc phải nhanh chóng hành động. Cơ quan Quản lý mạng Trung Quốc (CAC) đã công bố dự thảo các quy định áp dụng cho việc phát triển những sản phẩm như ChatGPT, theo Đài CNBC. Dự thảo đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách quản lý sự phát triển của AI tạo sinh, trong bối cảnh các đại gia công nghệ trong nước bắt đầu triển khai những sản phẩm tương tự ChatGPT. Chỉ trong vài tuần, Alibaba tung ra Tongyi Qianwen, trong khi Baidu tháng trước cũng công bố thử nghiệm dịch vụ hứa hẹn là đối thủ của ChatGPT là Ernie Bot.

Dự thảo của CAC đã thiết lập các quy tắc cơ bản mà các dịch vụ cung cấp AI tạo sinh phải tuân thủ, bao gồm dạng nội dung những dịch vụ này được phép tạo ra. Nội dung cần thể hiện các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội và tôn trọng quyền lực nhà nước. Các công ty phải đảm bảo dữ liệu dùng để huấn luyện những mô hình AI này sẽ không phân biệt đối xử về vấn đề chủng tộc, giới tính, và không tạo ra tin vịt. Một khi hoàn thiện, CAC sẽ công bố phiên bản cuối cùng và dự kiến áp dụng trong năm nay.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng bắt đầu thu thập ý kiến người dân về những biện pháp cần thực thi để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng các hệ thống AI. Trước đó, ông Biden cũng nói với các cố vấn khoa học và công nghệ rằng AI có thể giúp nêu lên những vấn đề về bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng cần xử lý các nguy cơ tiềm ẩn đối với xã hội, an ninh quốc gia và kinh tế. 

Công cụ quản lý tiền ảo của EU

Nghị viện châu Âu vừa thông qua khung toàn diện đầu tiên trên thế giới về vấn đề quản lý tiền ảo. Ngày 20.4, nghị viện đã thông qua Đạo luật các thị trường tiền ảo (MiCA) với 517 phiếu thuận và 38 phiếu chống. MiCA được xây dựng với mục tiêu giảm nguy cơ cho người mua tài sản tiền ảo, có nghĩa là người cung cấp có thể bị truy cứu trách nhiệm nếu gây tổn thất cho các tài sản tiền ảo. Các nền tảng giao dịch tiền ảo được yêu cầu thông báo với người tiêu dùng về nguy cơ liên quan đến giao dịch, trong khi việc phát hành tiền ảo mới cũng bị giám sát. Những dạng tiền ảo ổn định (stablecoin) bị giới hạn giao dịch ở mức 200 triệu euro/ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.