Cứng rắn vì quyền lợi người lao động

10/08/2022 09:26 GMT+7

Mới đây, Thanh Niên có bài phản ánh việc người lao động (NLĐ) 'than trời' vì doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Đây không phải chuyện mới.

Vấn đề này đã ngốn nhiều giấy mực của cơ quan báo chí, các bộ ngành… Tuy nhiên, nghịch lý thay, chiều hướng số nợ BHXH không có dấu hiệu trượt xuống.

Ví dụ, thống kê tới tháng 6.2022, tại TP.HCM (nơi thị trường lao động sôi động nhất nước) có 46.414 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên 1 tháng của 703.840 NLĐ với tổng số 3.873 tỉ đồng. Số nợ này tăng so với năm 2021 (số nợ năm 2021 là 2.241 tỉ đồng) và năm 2020 (1.513 tỉ đồng).

NLĐ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM

Lê Trọng

Theo quy định, khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, ngoài mức mà DN đóng (hiện nay là 20,5%), NLĐ trích 10% tiền lương của mình vào các quỹ này. Thế nên, với đơn vị tạo công ăn việc làm cho NLĐ, hằng tháng vẫn trích các khoản đóng bảo hiểm để trừ vào tiền lương của NLĐ, nhưng lại để tình trạng nợ đọng kéo dài khiến NLĐ không thể hưởng các chế độ, về bản chất, là hành vi trục lợi quỹ BHXH.

Một trong những lý do phổ biến nhất đối với tình trạng nợ BHXH là khó khăn vì... Covid-19. Thực tế, có đơn vị khó khăn thật về sản xuất, nguồn vốn và rất cần được hỗ trợ, nhưng cũng có nơi lợi dụng điều này để ngụy biện cho hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy thì, câu chuyện đặt ra là chế tài tương đối đầy đủ (lãi suất chậm đóng cao, phạt hành chính, bêu tên DN, khởi tố hình sự...), nhưng có đang “giơ cao, đánh khẽ” và các chế tài chúng ta đang áp dụng có phải không ăn thua?

Người viết cũng cho rằng, việc áp dụng quy định cao nhất là xử lý hình sự đối với chủ DN điều hành trốn hoặc chây ì đóng BHXH không phải là biện pháp khắc nghiệt. Ngược lại, nó mang tính răn đe, ngăn chặn trường hợp “lờn mặt” và quan trọng nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.