'Cưng ơi'!

11/01/2020 06:33 GMT+7

Sài Gòn chiều thứ bảy, đi làm về ngang qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, các màn hình đèn LED tiếp sóng các trận đấu cho kỳ SEA Games 30 bắt đầu lung linh rực rỡ, từng tốp người đi lại nói cười.

 Bên kia bờ sông Sài Gòn, hội chợ ẩm thực phục vụ du khách. Cạnh đó, trên bến Bạch Đằng, tàu du lịch đang đón khách ăn tối, ngắm sông… Ngày nào tôi cũng đi làm ngang qua con đường này nhưng sao hôm nay cảm xúc trong tôi có gì đó khó tả. Đang miên man suy nghĩ, chợt một anh chạy vượt qua nói to: “Gạt chân chống lên kìa cưng ơi”. Ồ, hai tiếng “cưng ơi” sao dễ thương đến vậy!
Tôi yêu Sài Gòn từ điều nhỏ xíu như thế, từ hai tiếng gọi “cưng ơi” với người đối diện, dù chỉ là mới gặp lần đầu. Nhớ thời sinh viên mỗi lần vào Sài Gòn là phải đi xe đò đến Bến xe Miền Đông. Đợt đó, ngồi trên xe bị chột bụng. Xe vừa tới bến là 3 chân 4 cẳng chạy thẳng vào nhà vệ sinh, mặc kệ va li túi xách các lơ xe để ngổn ngang giữa bến. Xong chạy ra thì chợt nghe tiếng chị bán nước: “Đồ đạc này của cưng hả, nãy giờ chị ngó giùm cho cưng đó”.
Ấn tượng Sài Gòn là như thế, đi đâu, làm gì, hễ gặp nhau là người Sài Gòn lại xưng hô với nhau bằng hai tiếng “cưng ơi”.
Đời sinh viên, để tiết kiệm tiền, đã từng phải đạp xe đi khắp các chợ để tìm mua đồ ăn hay quần áo bình dân. Lúc mua mớ rau quên lấy tiền thừa, cô bán hàng cũng gọi lại “quên tiền thối nè cưng ơi”. Rồi mỗi ngày cuối tuần đạp xe lên Nhà văn hóa Thanh niên để luyện nói tiếng Anh
hay xem ca nhạc, lúc ra về không biết làm rơi thẻ xe đâu mất, anh giữ xe nhìn cười cười: “Cưng là sinh viên hả? Xe này có chắc của cưng hôn?”.
Cuối tháng, má ở quê bán lúa non gửi tiền ăn tiền trọ, cầm chứng minh nhân dân tới bưu điện nhận tiền. Chị văn thư bảo: “Cưng ơi, cho chị mượn chứng minh thư của cưng nha”. Giờ, bưu điện chỉ còn là nơi để du khách nước ngoài đến tham quan; nhưng hễ đi ngang là ký ức lại tràn về.
Không biết tình yêu với Sài Gòn nó len lỏi vào trong tim từ lúc nào, cũng không biết yêu Sài Gòn từ điều gì cụ thể, chỉ biết là mỗi ngày mỗi thấy gắn bó với Sài Gòn nhiều hơn.
Gần 20 năm sống ở Sài Gòn, từ thời sinh viên cho đến lúc ra trường và có gia đình, sinh con, từ thuở suy nghĩ non nớt cho đến khi thấy mình khá chín chắn, trưởng thành thì thành phố này đã in dấu chân mình không biết bao nhiêu lần. Từng nơi đi qua là từng kỷ niệm không thể phai mờ. Sài Gòn lạ quá, vội vã mà chậm rãi đi vào lòng mình như một người tri kỷ.
Cách đây mấy năm, thử một lần không về quê mà ở lại Sài Gòn ăn tết. Chiều mùng 1, ông xã chở tôi và hai con dạo đường hoa Nguyễn Huệ, đường Sài Gòn vắng lặng, ít người, bỗng đâu lại có một chú dáng người như xe ôm vượt lên bảo: “Coi chừng cái tà áo dài nó rớt kìa con”.
Mới tết năm ngoái đây thôi, con gái nhỏ bị sốt co giật phải nhập viện ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Gần tết nhưng phòng cấp cứu vẫn có bệnh nhi nằm. Ai ở lại bệnh viện những chiều cuối năm mới hiểu, nó hiu quạnh và buồn thế nào. Chợt một tốp sinh viên mặc áo xanh tình nguyện bưng từng giỏ quà vào tận phòng tặng các bệnh nhi. Khoa lão cũng được các bạn ấy tặng quà. Chiều cuối năm, ở phòng cấp cứu bệnh viện, nhận giỏ quà tết từ các bạn sinh viên, lòng cảm thấy rưng rưng xúc động. Tôi không quên cảm ơn: “Chị cảm ơn cưng nhé”.
Giờ thì tới lượt tôi gọi lại Sài Gòn bằng 2 tiếng “cưng ơi”. Sài Gòn là vậy, đáng yêu lắm phải không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.