Cùng nhà thơ Hoài Vũ 'Thì thầm với dòng sông'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
02/07/2023 07:58 GMT+7

Hơn 60 năm cầm bút, vào sinh ra tử với nhiều sáng tác để đời nhưng lần đầu tiên nhà thơ Hoài Vũ có một buổi ra mắt sách đầy xúc động trong tình thân của đồng nghiệp, đồng đội cũ và những người yêu mến ông.

Sáng 1.7 tại TP.HCM, Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM và Hội Nhà văn VN đã long trọng tổ chức chương trình thơ Hoài Vũ Thì thầm với dòng sông, giới thiệu tác phẩm mới cùng tên của ông do Mibooks và NXB Hội Nhà văn ấn hành. "Có lẽ đây là một buổi sáng không thể nào quên trong những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi", nhà thơ Hoài Vũ bộc bạch.

Cùng nhà thơ Hoài Vũ 'Thì thầm với dòng sông' - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoài Vũ tại chương trình thơ và ra mắt sách sáng 1.7

QUỲNH TRÂN

Đến tham dự và chia vui, ngoài các nguyên lãnh đạo Thành ủy TP.HCM và tỉnh Long An, có kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM…

Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh ngày 25.8.1935 tại tỉnh Quảng Ngãi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ yếu gắn bó với Sài Gòn - TP.HCM và vùng đất Nam bộ. Đặc biệt tên tuổi nhà thơ gắn liền với dòng sông Vàm Cỏ Đông đầy huyền thoại, khi Hoài Vũ là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa luôn ở "đầu sóng ngọn gió". Ông cũng là nhà thơ, nhà văn, nhà báo và dịch giả xuất sắc. Điều đó thể hiện rõ nét trên hàng chục tác phẩm của ông đã xuất bản, có sức lan tỏa mạnh mẽ từ thời chiến đến thời bình.

Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng và sáng tác văn học từ khi đất nước còn chiến tranh và giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh, Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng.

Cùng nhà thơ Hoài Vũ 'Thì thầm với dòng sông' - Ảnh 2.

Chân dung nhà thơ Hoài Vũ qua nét vẽ họa sĩ Lê Sa Long

Đất nước thống nhất, ông tiếp tục được tín nhiệm làm Ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN), Phó giám đốc NXB Tác phẩm mới, Ủy viên BCH - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn TP.HCM) nhiều khóa liền, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng phụ trách tờ tiếng Hoa.

Có mặt tại chương trình, Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: "Theo thời gian, thi pháp và hình thức có thể thay đổi nhưng có những thứ trong văn chương luôn bất biến, đó là chủ nghĩa nhân văn, tình yêu dân tộc và khát vọng hòa bình. Là những nhà văn thế hệ sau, chúng tôi luôn biết ơn nhà thơ Hoài Vũ, bởi các tác phẩm của ông viết về chiến tranh được đánh đổi bằng cả tính mạng nhưng đầy kiêu hãnh. Điều đó chứng tỏ, vũ khí cuối cùng cũng chỉ là vũ khí, chỉ có thi ca mới chính là niềm kiêu hãnh của con người".

Nhà thơ của dòng sông Vàm Cỏ

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hoài Vũ luôn gắn liền với sông Vàm Cỏ, nơi mảnh đất Long An trung dũng, kiên cường trong kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước… Nhiều bài thơ của ông gắn bó với dòng sông những năm chiến tranh ác liệt luôn sống mãi cùng thời gian, đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc: Anh ở đầu sông em cuối sông, Xa rồi sông Hậu (Phan Huỳnh Điểu), Thì thầm với dòng sông, Đi trong hương tràm (Thuận Yến), Gởi em cô gái Gò Công (Lê Lôi), Tâm tình trước ngã ba sông (Lương Hải), Em về bên kia sông (Kiều Tấn)…, mà một trong những bài thơ nổi tiếng nhất là Vàm Cỏ Đông.

Nhà văn Trầm Hương kể: "Về lại Long An để làm bộ phim tài liệu về ông, trong lúc xuôi dòng Vàm Cỏ Đông, tôi cắc cớ hỏi nhà thơ Hoài Vũ: "Cơ duyên nào từ một cậu bé quê Quảng Ngãi ông lại trưởng thành, gắn bó với chiến trường miền Nam?". Ông cho biết đi tham gia cách mạng năm 11 tuổi, vào thiếu sinh quân rồi tập kết ra Bắc. Nhưng chính chiến trường miền Nam là nơi thử lửa khắc nghiệt với ông nhất. Nhiều người đã hy sinh để cho nhà thơ được sống và nhiều lần thoát chết trong gang tấc, khiến ông càng yêu quý đồng đội, trân quý sự sống hơn. Nhà thơ nhớ mãi những trận mưa bom B52 của giặc khi vượt qua Sông Bé: "May mắn còn được sống để làm thơ", ông bùi ngùi.

Nói về hoàn cảnh ra đời bài thơ Vàm Cỏ Đông, nhà thơ Hoài Vũ tiết lộ với nhà văn Trầm Hương rằng: "Cuối năm 1963, Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam. Tôi cùng nhà thơ Giang Nam vượt khỏi sông Vàm Cỏ Đông trong sự kiểm soát gắt gao và dày đặc của tàu giặc. Về nằm trong căn chòi vịt ọp ẹp của dân giữa một cánh đồng nơi cái chết vừa cận kề, anh Giang Nam viết bài Qua sông Vàm Cỏ, còn tôi hí hoáy với Vàm Cỏ Đông. Tôi viết rất nhanh, câu chữ bật ra từ cảm xúc nên khi phát trên Đài Tiếng nói VN, tôi cùng anh Giang Nam nghe qua giọng ngâm của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết cảm động lắm. Sau này nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc đã chắp thêm đôi cánh cho bài thơ bay xa…". Riêng với tác phẩm Anh ở đầu sông, em cuối sông, Hoài Vũ đã như cho thấy tình yêu đã vượt qua cả không gian, thời gian, tỏa "bát ngát chân trời miền hạ".

Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn VN, nhà thơ Phan Hoàng khẳng định: "Đọc tác phẩm của Hoài Vũ, nhất là thi ca, dù viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đằm thắm, da diết, cháy bỏng tình yêu thiên nhiên và con người. Thơ ông thấm đẫm nỗi đau mất mát hy sinh mà không chất chứa hận thù. Thơ ông vượt thoát bóng tối ích kỷ tham tàn để hướng tới ánh sáng tự do, bao dung, nhân ái. Thơ ông dung dị nhưng chứa đựng vẻ đẹp nhân văn sâu xa, có sức lay động tâm hồn con người mọi thế hệ. Đó là sự khác biệt, tạo dựng vị trí riêng và tầm vóc quan trọng của một nhà thơ lớn luôn Thì thầm với dòng sông".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.