Cúng lễ 'hại thanh danh' ông Táo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/01/2019 05:09 GMT+7

Những cách cúng lễ mất an toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh và môi trường chắc chắn sẽ 'bôi nhọ' thanh danh của tục lệ cúng ông Công, ông Táo.

Ẩn họa

[VIDEO] Sợ bị bắt lại, dân Sài Gòn phải ra giữa sông để thả cá phóng sinh
Đám cháy ở phố cổ Hà Nội đúng ngày ông Công, ông Táo cuối cùng cũng đã được dập tắt. Ghi nhận ban đầu cho thấy chủ nhà đốt vàng mã cúng đã làm lửa cháy từ tầng 4 xuống tầng 3 căn nhà trước khi lan sang nhà bên cạnh. Nhưng những thiệt hại về vật chất không thể đau đớn bằng gia đình những người do thả cá chép ngày ông Công, ông Táo mà trượt chân xuống sông chết đuối. Năm nay có 2 trường hợp như vậy. Một phụ nữ trượt chân tại bờ sông Rạch Chiếc (TP.HCM) và một người đàn ông trượt chân tại bờ sông Thái Bình (tỉnh Hải Dương).
Ngày 23 tháng chạp năm nay cũng nổi sóng trên mạng xã hội vì những tấm ảnh người dân đứng trên cầu ném cả bàn thờ xuống sông, hoặc cá vàng chết ngất ngay khi thả xuống nước. Một việc không mới là chỉ cách điểm thả cá một chút đã có người đón để bắt cá vừa được thả xuống. “Không có kiểu văn hóa gì mà lại ném cả bàn thờ xuống sông. Rõ ràng có những sự kiện tôn giáo tín ngưỡng truyền thống bị lợi dụng, bị bóp méo”, GS Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, nói.
Cúng lễ 'hại thanh danh' ông Táo2
Theo học giả Nhất Thanh trong cuốn Đất lề quê thói, chạp là một lễ tế về tháng cuối năm (tháng 12). Ngày 23 tháng 12 vua bếp - cũng gọi là ông Công hay Táo quân lên chầu trời tâu việc thiện ác của nhân gian; người ta làm lễ cúng tiến gọi là chạp ông Công. Lễ vật thường là trầu, rượu, hoa quả, xôi gà hay chân giò. Nhiều nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên. Người ta mua cá chép thả sống trong chậu nước bày lên cúng để ông Công dùng làm vật cưỡi. Không ai mua cá giống khác hay con vật khác để cúng, vì theo thần thoại thì chỉ có cá chép hóa rồng. Rồng bay trên mây thì đưa được ông Công lên trời.
“Ngày xưa không có chuyện vứt bàn thờ xuống sông như thế. Có thể dùng vào việc khác cũng được mà. Và ngay cả chuyện không đốt mã, không thả cá cũng không sao”, một nhà nghiên cứu ở Viện Hán Nôm cho biết.
Cúng lễ 'hại thanh danh' ông Táo1
Bán chim phóng sinh trước cổng chùa Ảnh: Khả Hòa

Phong tục không giậm chân một chỗ

Gọi là truyền thống nhưng nhiều khi mọi người cứ theo nhau, bắt chước nhau cố thực hành bằng được cũng không hay.
Những nơi có điều kiện thì làm, những nơi không có điều kiện thì thôi

PGS-TS Nguyễn Văn Huy

“Đừng để Táo quân mang rác lên chầu” là một hoạt động kéo dài trong dịp ông Công, ông Táo năm nay. Hoạt động này do Hanoi Keep Clean, một nhóm tự nguyện tham gia dọn dẹp rác thải ở Hà Nội, kêu gọi tình nguyện viên thực hiện. Trên Facebook của mình, nhóm cho biết: “Khi thả cá nhiều người dân đã không giữ lại túi ni lông. Hàng trăm nghìn túi ni lông và đồ cúng lễ đã bị ném vào nguồn nước vào ngày này. Những chiếc túi này đổ thẳng vào sông và theo dòng nước bị xả vào đại dương. Hiện tại, VN đang đứng thứ 4 trong số các nước gây ô nhiễm đại dương nhiều nhất. Để cải thiện tình hình này, hãy cùng chúng tôi bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta, bảo vệ đại dương”. Đã có hàng trăm tình nguyện viên tham gia hoạt động này, họ đứng trên cầu Nhật Tân, Chương Dương để xin lại túi ni lông khi người dân thả cá.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cũng rất quan tâm đến việc thực hành tục lệ cúng ông Công, ông Táo mang lại điều gì cho xã hội. Chẳng hạn, theo bà không nên ném bàn thờ cũng như túi ni lông xuống nước vì nó ảnh hưởng tới môi trường. “Về an toàn cho người dân khi họ thả cá, các địa phương cần khuyến cáo về các nguy cơ. Tuy nhiên, trường hợp ném bàn thờ, ném túi ni lông thì cần kiên quyết nhắc nhở vì gây ảnh hưởng môi trường. Việc thả cá còn nằm trong túi ni lông ném từ trên cao xuống còn làm cho khả năng cá chết rất cao. Như thế, về tâm linh cũng không thực hiện được ước nguyện cá hóa rồng, còn ảnh hưởng môi trường. Vì thế, nếu gia đình nào gần sông hoặc nơi có thể thả cá thì hẵng làm thủ tục thả xuống nước. Còn nếu không thì nên cúng tượng trưng”, bà Hương nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho biết không nên quá cứng nhắc khi thực hành các tập quán văn hóa. “Gọi là truyền thống nhưng nhiều khi mọi người cứ theo nhau, bắt chước nhau cố thực hành bằng được cũng không hay. Những nơi có điều kiện thì làm, những nơi không có điều kiện thì thôi. Không nhất thiết phải chạy theo những niềm tin quá xa xôi như thế, trong khi cái hại thì có thể nhìn thấy ngay như cá chết, môi trường ô nhiễm, người thiệt mạng. Làm sao cần điều tiết niềm tin theo cái tâm của mỗi người, chứ tuân thủ mù quáng tập tục thành ra bất ổn. Văn hóa phải rất linh hoạt”, ông Huy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.