Cùng chia sẻ chi phí khi cách ly vì dịch Covid-19

04/03/2020 06:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc Thanh Niên cho rằng nên có sự cộng đồng trách nhiệm giữa nhà nước và người phải cách ly phòng dịch Covid-19.

Qua tranh luận về việc nhà nước có nên miễn phí hay không tiền ăn uống, sinh hoạt... của những trường hợp về từ vùng dịch Covid-19 phải cách ly tập trung, nhiều bạn đọc Thanh Niên cho rằng nên có sự cộng đồng trách nhiệm giữa nhà nước và người phải cách ly.
Như Thanh Niên đã thông tin, việc theo dõi, cách ly hàng ngàn người trở về từ vùng dịch là một trong những biện pháp cần thiết, nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Để thực hiện tốt biện pháp này, cần sự phối hợp đồng bộ từ các đơn vị chức năng, địa phương trong chuẩn bị nơi ăn chốn ở cũng như hỗ trợ tốt nhất có thể cho người phải cách ly. Thực tế, hầu hết các tỉnh thành đều đã rất nỗ lực từ chuẩn bị địa điểm tiếp nhận, thực phẩm, chăn màn, quần áo cho đến bàn chải đánh răng, khăn mặt... để đón người phải cách ly.

Nhiều nơi miễn phí

Tuy nhiên, trong khi hầu hết các nơi đều miễn phí cho người phải cách ly tập trung thì người đang theo dõi sức khỏe tại trung tâm cách ly tập trung của Q.7 (TP.HCM) vẫn phải thanh toán chi phí khẩu phần ăn hằng ngày. Điều này gây nên nhiều ý kiến trái chiều. BĐ Tam (TP.HCM) nêu quan điểm: “Trong thời gian cách ly làm gì có thu nhập mà trả chi phí? Những người cách ly này nhằm mục đích bảo vệ cộng đồng thì nên chi trả cho họ chi phí. Người cách ly là có trách nhiệm với cộng đồng nhưng cộng đồng cũng phải có trách nhiệm với bản thân và gia đình những người bị cách ly. Vậy mới là hợp lý”.

Tôi thấy lối suy nghĩ hưởng đồ miễn phí cần loại bỏ dần. Nên thu tiền ở mức hợp lý, tránh lạm thu, tuy nhiên nên có miễn giảm cho người khó khăn.

Muonnoiykien (TP.HCM)

Đồng quan điểm trên, BĐ Giang (TP.HCM) lưu ý thêm: “Tôi nghĩ nhà nước không nên thu chi phí ăn uống đối với người bị cách ly. Ngược lại, nên lo hết chi phí này để người dân an tâm và sẵn sàng phòng chống dịch bệnh. Vì đây là một dịch trên toàn cầu, hết sức nguy hiểm. Nếu thu tiền, dân có thể sẽ trốn không hợp tác! Khi họ không hợp tác sẽ mau chóng mắc bệnh rồi lây lan. Chi phí chữa bệnh sẽ tốn gấp nhiều lần tiền như thế!”.

Nên cùng chia sẻ trách nhiệm

Về các chế độ, quản lý, kinh phí đối với người bị cách ly y tế, Thông tư 32/2012 của Bộ Tài chính quy định khá đầy đủ. Theo đó, người bị áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện; được cấp miễn phí các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày bị cách ly; miễn phí di chuyển đến cơ sở bị cách ly. Đối với chế độ ăn uống, chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly.

Nhà nước nên cấp suất ăn cho người bị cách ly, cơ sở y tế hãy hỏi người bị cách ly có cần suất ăn miễn phí không, nếu họ khá giả thì chả cần đâu, còn người không nghèo nhưng nghỉ vài ngày là thiếu hụt ngay thì họ sẽ cần.

Chiều (Cần Thơ)

Nhiều BĐ cho rằng quy định đã có thì người phải cách ly cố gắng chia sẻ như một cách cùng có trách nhiệm với cộng đồng. BĐ Dtuan (Hà Nội) viết: “Người có thu nhập phải trả chi phí sinh hoạt cho mình là hợp lý. Vụ này nhà nước cũng tốn khá nhiều cho việc lập cơ sở cách ly, huy động người, vệ sinh tẩy độc môi trường, thuốc men chữa trị”. Tương tự, BĐ Nguyễn Bá Huynh (TP.HCM) nêu ý kiến: “Đây là dịch bệnh, bất khả kháng. Cho nên nhà nước và nhân dân cùng gánh vác, chia sẻ. Ngân sách nhà nước cũng là của dân cả. Do đó ta phải nhận thức như vậy cho thoải mái đi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.