Cử tri lo lắng về tình trạng bắt cóc trẻ em, cháy chung cư mini

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/10/2023 10:34 GMT+7

Cử tri, nhân dân lo lắng về tình hình bắt cóc trẻ em liên tiếp xảy ra; giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cháy chung cư mini…

Sáng 11.10, tại phiên họp 27,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9 cũng như kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 5; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.

Cử tri lo lắng về tình trạng bắt cóc trẻ em, cháy chung cư mini - Ảnh 1.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân rất vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực khi nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Nhưng cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền liên tiếp xảy ra, gây bức xúc, hoang mang trong xã hội.

Cử tri, nhân dân cũng lo lắng tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng; hiện tượng trục lợi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng trở nên phổ biến.

"Lộ thông tin cá nhân, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân", báo cáo nêu.

Cạnh đó, tình trạng cháy, nổ tại khu dân cư có mật độ người ở cao vẫn tiếp diễn, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Đặc biệt, vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội làm 56 người tử vong và 37 người bị thương đang được cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, thanh tra để xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan… cũng là vấn đề khiến cử tri, nhân dân lo lắng.

Báo cáo dân nguyện cũng thông tin, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 9, các vụ việc liên quan đến chung cư mini; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn xây dựng chung cư, căn hộ khách sạn khi chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bàn giao nhà đất… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trước tình hình này, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với cơ quan công an kiểm tra, rà soát các yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy với chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ với mật độ cao. Điều này nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.

Bộ Công an cũng được đề nghị chỉ đạo công an các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo hành, bắt cóc trẻ em để tống tiền; kịp thời xử lý, giải quyết vụ việc ngay từ khi phát hiện.

Cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành có giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng lộ thông tin cá nhân, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Nhiều bộ, ngành chậm trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri

Cử tri lo lắng về tình trạng bắt cóc trẻ em, cháy chung cư mini - Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận sáng 11.10

GIA HÂN

Về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 5, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết tính đến ngày 5.10, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 2.474/2.765 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đạt 89,5%.

Ông Bình cho biết qua rà soát, vẫn còn tình trạng chậm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Mặc dù đến nay đã quá thời hạn trả lời nhưng vẫn còn 291 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 vẫn chưa được giải quyết, trả lời. Trong đó, một số bộ, ngành còn chưa giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri với số lượng lớn.

Cụ thể, Bộ TN-MT chưa trả lời 63/180 kiến nghị, Bộ GD-ĐT chưa trả lời 48/184 kiến nghị, Bộ Tài chính chưa trả lời 32/145 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ còn 62/242 kiến nghị đã giao cho các bộ, ngành nhưng chưa có văn bản trả lời.

Ông Bình cho biết Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào vấn đề này, do đây sẽ là báo cáo trình tại phiên khai mạc kỳ họp 6 khai mạc sắp tới.

Ông Phương nhấn mạnh tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 5 chỉ đạt 89,5%, tức là còn hơn 11% chưa được giải quyết. Con số này thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp 4 là 99,8%. "Như vậy là đi lùi chứ không đi lên", ông Phương nói, đề nghị cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng này.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.