Cử tri lo lắng rất nhiều về sách giáo khoa mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/05/2022 06:03 GMT+7

Sau kỳ họp lần thứ hai và kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 1.2022, nhiều kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ lo lắng về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa mới.

Chưa yên tâm về chất lượng

Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Bộ GD-ĐT rà soát lại chất lượng sách giáo khoa (SGK) để đảm bảo “cải cách” giáo dục đạt hiệu quả cao nhất. Cử tri tỉnh Long An cho rằng Bộ cần “tiếp tục rà soát, chỉnh sửa lại SGK tiếng Việt lớp 1 vì hiện nay có nhiều lỗi, không phù hợp nhưng vẫn chưa được chỉnh sửa”.

Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ nghiên cứu lựa chọn sách phù hợp để đưa vào giảng dạy trong các nhà trường vì cho rằng cải cách sách lớp 1 với chương trình học hiện nay là quá nặng và tạo áp lực trong quá trình học tập với học sinh (HS) lớp 1.

Theo liệt kê của Bộ GD-ĐT, đến nay Bộ này đã phải ra tới 3 văn bản yêu cầu chỉnh sửa SGK mới

NGỌC THẮNG

Trong văn bản trả lời kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội (ban hành ngày 28.11.2014) quy định một chương trình, nhiều SGK, thực hiện xã hội hóa biên soạn, và cho biết bản mẫu sách được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để các địa phương lựa chọn và sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đã trải qua quá trình biên soạn kỹ càng, bảo đảm chất lượng. Cụ thể, trong quá trình biên soạn, các nhà xuất bản đã tổ chức dạy thử nghiệm (tỷ lệ các bài học được thử nghiệm khoảng 20% tổng số bài học); tổ chức lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục và giáo viên (GV) phổ thông.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và nhận xét từng bài học trong bản mẫu, thảo luận với các tác giả và xin ý kiến các chuyên gia về những nội dung trong sách có những cách hiểu khác nhau.

Trong quá trình thẩm định, bản mẫu được tổ chức xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo dục, giảng viên các Trường ĐH Sư phạm và GV trên phạm vi cả nước (10 GV mỗi môn học/cấp học/sở GD-ĐT). Kết quả góp ý đã được các thành viên của hội đồng thẩm định nghiên cứu, thảo luận xây dựng thành văn bản gửi các nhà xuất bản để sửa chữa.

Bộ trưởng GD-ĐT còn khẳng định: “Mọi SGK được ban hành đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng vì phải được biên soạn, thẩm định theo quy định…”, đồng thời cho biết đang tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện toàn bộ quá trình biên soạn, việc lựa chọn sách của các địa phương trong bối cảnh thực hiện xã hội hóa nhằm đảm bảo chất lượng sách và đảm bảo sự công tâm, minh bạch, tôn trọng đề xuất của các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc lựa chọn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng SGK sẽ tiếp tục được rà soát trong quá trình sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, nếu có những sai sót sẽ tiếp tục được chỉnh sửa

d.m

Liên tục phải chỉnh sửa

Dù khẳng định “mọi SGK đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng” như trên, nhưng trong phần trả lời cử tri về đề nghị cần rà soát chất lượng sách hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn lại cho rằng: SGK sẽ tiếp tục được rà soát trong quá trình sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, nếu có những sai sót sẽ tiếp tục được chỉnh sửa. Thời gian qua, Bộ đã kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản chỉnh sửa, hoàn thiện, khắc phục một số nội dung được phản ánh còn chưa phù hợp với đối tượng HS; đồng thời giao các nhà xuất bản chủ động rà soát các sách khác để kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót (nếu có).

Đáng chú ý, đến nay Bộ này đã phải ra tới 3 văn bản yêu cầu chỉnh sửa SGK mới. Cụ thể, Công văn 5240 về việc điều chỉnh ngữ liệu SGK tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Cánh diều; Công văn 5340 chỉ đạo các nhà xuất bản có SGK cần chỉnh sửa khi tái bản phục vụ năm học mới; Công văn 547 ngày 5.2.2021 về điều chỉnh ngữ liệu SGK tiếng Việt 1 thuộc các bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

Mặc dù vậy, cử tri tỉnh Bình Dương cho rằng việc đổi mới SGK thời gian qua là chưa hợp lý vì liên tục phải chỉnh sửa, bổ sung hằng năm; sách không thể tái sử dụng cho các năm sau gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Cử tri đề nghị ngành GD-ĐT tiếp tục xem xét, chỉ đạo các đơn vị khắc phục tình trạng trên, tiết kiệm nguồn lực của xã hội.

Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng Bộ đã hướng dẫn chi tiết các minh chứng đánh giá tiêu chuẩn sách, trong đó nêu rõ: “SGK được biên soạn, thiết kế phù hợp, khoa học giữa các phần theo hướng khuyến khích người học sử dụng lâu dài, tránh lãng phí”.

Kết thúc phần trả lời về chất lượng sách, Bộ trưởng GD-ĐT lặp lại mong muốn quen thuộc trong các lần trả lời về chất lượng sách: “Thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Thay đổi SGK hằng năm gây khó cho người dân

Cử tri tỉnh Long An đề nghị có chương trình giáo dục phù hợp, tránh phải thay đổi SGK lớp 1 nhiều lần, gây khó khăn cho người dân.

Theo trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thực hiện chủ trương một chương trình thống nhất toàn quốc có nhiều SGK ở mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc tổ chức biên soạn theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1 tương ứng 5 bộ với sự tham gia của 4 NXB. Tất cả các sách lớp 1 được phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho GV, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại nhà trường. “Các sách được phê duyệt sẽ được sử dụng ổn định trong các nhà trường”, theo phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Dạy học môn lịch sử cấp THPT: Bộ GD-ĐT sẽ xin ý kiến các cấp có thẩm quyền

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn lịch sử cấp THPT trong chương trình này vào ngày 12.5.

Tham gia cuộc làm việc có thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018, thành viên Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, và Hội đồng thẩm định chương trình môn lịch sử trong chương trình.

Tại buổi làm việc, Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn lịch sử.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Riêng với việc dạy học môn lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.

Cử tri tỉnh Bạc Liêu đề nghị Bộ xem xét lại việc ban hành các bộ SGK bậc tiểu học là không phù hợp, không thống nhất, rất khó khăn cho công tác giảng dạy… Cử tri TP.Đà Nẵng lại cho rằng SGK cần phải quy định thống nhất cùng một loại và áp dụng chung trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng GD-ĐT tiếp tục viện dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội và luật Giáo dục 2019 quy định vai trò của SGK…

Thực tế, quyền lựa chọn SGK hiện nay là do các nhà trường đề xuất và UBND cấp tỉnh quyết định, và thực tế các năm qua cho thấy Bộ không kiểm soát được việc các địa phương mỗi năm thay đổi lựa chọn một bộ sách khác nhau, năm nay dùng bộ này, sang năm dùng bộ khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn khẳng định trong phần trả lời kiến nghị của cử tri: “Các SGK được phê duyệt sẽ được sử dụng ổn định trong các nhà trường và bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung của chương trình môn học, hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.