Cử tri Hà Nội mong muốn 'đảm bảo hài hòa lợi ích' khi giành lại vỉa hè

14/05/2023 17:11 GMT+7

Cử tri mong muốn chính quyền các cấp có giải pháp để tạo điều kiện cho những người buôn bán trên vỉa hè, người bán hàng rong có địa điểm kinh doanh ổn định mưu sinh, đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cùng các cơ quan liên quan, trong đó có đề cập vấn đề hài hòa lợi ích khi "dẹp vỉa hè".

Cử tri Hà Nội mong muốn 'đảm bảo hài hòa lợi ích' khi giành lại vỉa hè - Ảnh 1.

Một đoạn vỉa hè phố Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm) bị người dân bày bàn ghế để kinh doanh

NGUYỄN TRƯỜNG

Trong báo cáo, cử tri và nhân dân thủ đô đánh giá cao kế hoạch ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2023 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, trông giữ xe trái phép, thu phí giữ xe vượt quá quy định của thành phố chưa giảm nhiều nếu lực lượng chức năng không quyết liệt, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; đồng thời, do ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao nên sau đợt ra quân, tình trạng chiếm lòng đường, vỉa hè lại diễn ra như cũ.

Nhiều ý kiến từ người dân cho rằng, sau chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, mặc dù đã áp dụng không ít biện pháp mạnh nhưng hiệu quả thiếu bền vững. "Người dân mong muốn chính quyền các cấp có giải pháp để tạo điều kiện cho những người buôn bán, người bán hàng rong có địa điểm kinh doanh ổn định mưu sinh, đảm bảo hài hòa lợi ích cộng đồng", báo cáo nêu.

Trước đó, tại hội nghị tiếp xúc cử tri Q.Hoàng Mai và H.Gia Lâm, khi đề cập đến chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, công tác quản lý lòng đường, vỉa hè còn thiếu bài bản.

"Vỉa hè có nhiều chức năng lắm. Chức năng bình thường là đi bộ, nhưng với Hà Nội, thủ đô yêu dấu của chúng ta phần nào cũng là sinh kế của người dân. Phải tính toán kỹ", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, có lãnh đạo phường nói với ông rằng, trong chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè, có hộ kinh doanh bị phạt 3 lần trong một tháng, mỗi lần 2,5 triệu đồng "vẫn vui vẻ nộp phạt". "Nói thế để thấy kinh tế ban đêm, kinh tế vỉa hè, lòng đường kinh khủng lắm. Gắn với mưu sinh. Mình làm không căn cơ, không bài bản, không có quy hoạch là không ổn. Cuối cùng lại toàn gây bức xúc với nhân dân. Mình là chính quyền mình phải tạo điều kiện cho dân. Cho nên những thứ này (quản lý vỉa hè, lòng đường - PV) rất cần phải bình tĩnh xem xét, nghiên cứu.

Trước đó, từ ngày 1 - 31.3, Hà Nội đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định… Sau hơn 2 tháng lực lượng chức năng ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đến nay nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội có vỉa hè khá thông thoáng. Tuy nhiên, tại một số tuyến phố nhỏ hơn, tình trạng người dân tái chiếm vỉa hè để kinh doanh chưa được xử lý dứt điểm.

Một tiểu thương trên phố cổ thuộc Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, "vì mưu sinh nên sẵn sàng đối phó" với lực lượng công an, tiếp tục lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán khi lực lượng chức năng rời đi. 

"Nếu trước kia bày bàn ghế ra vỉa hè, lòng đường 10 phần thì nay tôi chỉ bày 5 phần. Tôi mong cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu chính sách, tạo điều kiện trong khuôn khổ để tôi được bán hàng trên vỉa hè, không phải kinh doanh theo kiểu đối phó như hiện tại", tiểu thương này cho hay.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 14.5

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.