'Cứ nghĩ đến giá đất nhiều người muốn sở hữu nó lại lạnh hết cả người'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/11/2022 14:22 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng với dự án khu đô thị, nhà ở thương mại phải để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân theo Nghị quyết 18, song ý kiến khác cho rằng cơ chế này gây ách tắc, mất công bằng.

Để doanh nghiệp tự thỏa thuận hay Nhà nước thu hồi?

Sáng 14.11, thảo luận luật Đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị nhà nước không thu hồi đất cho các dự án của doanh nghiệp như dự án khu đô thị, nhà ở thương mại để khuyến khích thực hiện cơ chế tự thỏa thuận theo Nghị quyết 18 T.Ư khóa XIII.

Nhà nước chỉ thu hồi để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập...

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

gia hân

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) dẫn hàng loạt con số về khiếu nại, tố cáo của các cơ quan trong năm 2022 cho thấy việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ khiếu kiện. Từ đó, ông Minh cho rằng luật Đất đai sửa đổi cần khắc phục được những bất cập của luật Đất đai 2013, quy định các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng.

Đối với việc thu hồi đất cho các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, ông Minh cho rằng, việc quy định các dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86 để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng là chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18, cụ thể là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, các đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên), Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng nên hạn chế việc tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp do thực tế việc này rất vướng mắc.

Đại biểu Đào Hồng Vận cho biết, tại Hưng Yên việc thực hiện cơ chế thỏa thuận đang rất khó và gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện, do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận đền bù trước đó và có những trường hợp thì giá nào cũng không chịu.

Mặt khác, đối với dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại đấu giá sử dụng nhất theo dự thảo chúng ta lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá, đấu thầu và nhà nước trực tiếp đấu giá đất ở, vì vậy đương nhiên nhà nước phải tổ chức giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đấu giá.

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên)

gia hân

Từ đó, ông Vận cho rằng, Nhà nước có thể thu hồi đất, tuy nhiên giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) thì cho rằng, cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội như khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án lợi ích quốc gia thì giá thấp hơn hàng chục, thậm chí đến trăm lần so với dự án thỏa thuận hoặc người đồng ý chuyển nhượng sau cùng lại là người được nhận giá trị thỏa thuận cao hơn những người đồng ý trước.

Đại biểu quốc hội Dương Khắc Mai: "Cứ nghĩ đến giá đất nhiều người muốn sở hữu nó lại lạnh hết cả người"

Thương lượng là cần thiết đảm bảo quyền lợi người dân

Tranh luận lại với quan điểm các đại biểu trên, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, các đại biểu nêu ách tắc trong việc tự thỏa thuận song chưa đưa ra được hướng giải quyết.

Ông Phước nêu quan điểm tự thỏa thuận trên tinh thần thương lượng là cần thiết, để đảm bảo quyền lợi của người dân. Vấn đề không nằm ở việc người dân đòi hỏi giá quá cao mà bản chất việc xác định giá đất chưa được quy định cụ thể.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐắK Nông)

gia hân

Theo đó, ông Phước cho rằng, vì mục tiêu phát triển, Nhà nước cần phải sử dụng quyền năng sở hữu đất đai để định đoạt, giải quyết những vấn đề không thể thỏa thuận.

Nghĩa là trên cơ sở dữ liệu về giá đất ở từng vùng và giá đất đã được thỏa thuận trong cộng đồng khu dân cư có dự án thì Nhà nước buộc các hộ phải chịu thỏa thuận, phải thực hiện được các thỏa thuận. Nếu không Nhà nước sử dụng quyền năng của mình giao cho nhà đầu tư hoặc tổ chức đấu thầu.

“Có như thế mới có thể giải quyết được ách tắc hiện nay trên thực tế”, ông Phước nói.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đại biểu cho rằng cần phải nhận thức rõ việc thỏa thuận giới hạn ở mức độ nào và thỏa thuận về những vấn đề gì.

“Chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở đây có nhiều cách hiểu khác nhau. Đó là thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng loại đất ấy hay là thỏa thuận về giá đất”, ông Bình cho rằng cơ quan soạn thảo phải đánh giá tác động kỹ hơn, lấy ý kiến rộng rãi hơn và tổng kết từ thực tiễn.

“Đây là vấn đề trong thực tiễn vừa qua phát sinh rất nhiều vấn đề về đơn thư khiếu nại, tố cáo xung quanh lĩnh vực đất đai. Bởi một lẽ, giữa cùng một khu vực nhưng nếu Nhà nước thu hồi đất đền bù cho người dân để phục vụ các lợi ích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh thì đền bù theo giá nhà nước”, ông Bình nói.

Từ đó, vị đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị nên quy định người dân và doanh nghiệp thỏa thuận trong việc quyết định quyền sử dụng đất, còn về giá đất thì phải thống nhất một mức giá theo quy định của nhà nước để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, khách quan.

“Chỗ này cần quan tâm đến cơ chế và kiểm soát thỏa thuận này thế nào, thỏa thuận này đến giới hạn nào và thứ hai ai kiểm soát việc thỏa thuận này? Vai trò quản lý nhà nước ở chỗ này như thế nào? Tôi đề nghị cần phải làm thật rõ và đánh giá thật kỹ”, ông Bình nói.

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói đất đai vốn không tự phức tạp nhưng những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm cho nó biến dạng, trở nên nhạy cảm, phức tạp và đôi khi “nóng”, “sốt”.

“Cứ nghĩ đến đất, giá đất, nhiều người muốn sở hữu nó cứ lạnh hết cả người”, ông Mai nói và bày tỏ tán thành với việc sửa đổi luật Đất đai do luật hiện hành có nhiều hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo.

Theo ông Mai, đất đai là lĩnh vực rất đặc biệt, có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai là hết sức cần thiết. Do đó, ông đề nghị sau thảo luận tại kỳ họp đầu tiên, ban soạn thảo cần nhanh chóng lấy ý kiến toàn thể nhân dân về dự án này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.