'Cứ mỗi lần sự cố xảy ra, ta lập tức nghĩ phải có chế tài nặng hơn'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/06/2023 12:08 GMT+7

Dẫn quy định về phòng cháy, chữa cháy đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nói cứ mỗi lần có sự cố xảy ra, nhất là những chuyện dư luận lên án mạnh mẽ thì chúng ta lập tức nghĩ phải đặt ra chế tài mạnh mẽ, nặng hơn, cao hơn. Đây là một "khiếm khuyết" của thế chế hiện nay.

Phát biểu tranh luận trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 1.6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết qua nghe câu chuyện về các quy định phòng cháy, chữa cháy gây khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, ông thấy nhiều sai phạm xảy ra không phải do thiếu luật mà do con người.

'Cứ mỗi lần sự cố xảy ra, ta lập tức nghĩ phải có chế tài nặng hơn' - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng vấn đề nằm ở con người chứ không phải cứ mỗi lần có sự cố lại nghĩ đến quy định cho chặt, chế tài cho nặng

GIA HÂN

"Mỗi lần sai phạm xảy ra, chúng ta lại nghĩ: có lẽ luật pháp chưa được chặt chẽ chăng? Thế là chúng ta lại đặt thêm ra một số quy định. Luật Phòng cháy, chữa cháy có mấy chục năm rồi, có phải là thiếu không?", ông Nghĩa nêu.

Theo ông Nghĩa, tình trạng nói trên là một "khiếm khuyết" của thể chế hiện tại là "cứ mỗi lần có sự cố xảy ra, nhất là những chuyện dư luận lên án mạnh mẽ thì chúng ta lập tức nghĩ phải đặt ra chế tài mạnh mẽ, nặng hơn, cao hơn".

"Chúng ta mang tư duy này áp lên tất cả các lĩnh vực, từ phá rừng, khai thác cát trái phép, chống tình trạng say rượu lái xe… Tất cả những cái này có phải do luật không có hoặc không đủ hay không?", ông Nghĩa nhấn mạnh và phân tích, khi chế tài mạnh việc việc uống rượu lái xe thì tình trạng này có giảm đi, song không thể giải quyết hết được tình trạng này.

"Tôi đã có những thực tiễn cho thấy có những người có tiền, trước thay vì phạt 3 triệu, 5 triệu, thì bây giờ phạt 15, 20 triệu, thậm chí 30, 40 triệu. Họ sẵn sàng chung chi và có những cảnh sát giao thông tiêu cực sẵn sàng nhận khoản tiền đó để bỏ qua", ông Nghĩa thông tin.

Từ đó, ông Nghĩa cho rằng, "cái gốc" vẫn là con người. "Chúng ta phải xác định rõ như vậy thì mới khắc phục được. Còn nếu không sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp và cho xã hội nhưng không khắc phục được yếu kém của chúng ta", ông Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Cứ mỗi lần sự cố xảy ra... thì nghĩ ngay phải đặt ra chế tài nặng hơn"

Đôi khi chi phí tuân thủ lớn hơn lợi ích thu được 

Liên quan quy định phòng cháy, chữa cháy, trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ quan tâm đến những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm phát sinh thêm chi phí nên có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, quy định mới về phòng cháy, chữa cháy cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể ngành nghề nào phải có quy định chặt chẽ về phòng cháy, chữa cháy...

Bà Ý đề nghị cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng. Không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng.

Bên cạnh đó, bà Ý cho rằng khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. "Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ", bà Ý nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói về việc gỡ vướng quy định phòng cháy, chữa cháy

Bộ trưởng Xây dựng nói về việc gỡ vướng quy định phòng cháy, chữa cháy

Trước đó, chiều 31.5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết hiện nay có 9 quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy, 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, được biên soạn và ban hành bởi các bộ: Công an, Xây dựng, Công thương, KH-CN.

Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình, để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình.

Đến nay Quy chuẩn 06 đã được sửa đổi 2 lần, nội dung sửa đổi không lớn, đều có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật trên cơ sở không hồi tố.

Công trình đang áp dụng quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế, góp ý, thẩm duyệt, được sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

"Khi so sánh quy định cơ bản Quy chuẩn 06 với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác thì nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của Quy chuẩn 06 không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp...", ông Nghị nói.

Ông Nghị cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đang phối hợp đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể. Bộ Xây dựng cũng đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ và gửi xin ý kiến các nơi vào ngày 26.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.