Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục của Jetstar Pacific và dấu ấn Vietnam Airlines

06/11/2015 08:00 GMT+7

Lần đầu tiên sau nhiều năm, từ những con số lỗ hàng trăm tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2015, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) chính thức có lãi.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, từ những con số lỗ hàng trăm tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2015, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) chính thức có lãi.

Máy bay Airbus A320 của Jetstar Pacific - Ảnh: nguồn VNAMáy bay Airbus A320 của Jetstar Pacific - Ảnh: nguồn VNA
Dấu ấn Vietnam Airlines
Nói như ông Alan Joyce, Tổng giám đốc Tập đoàn Qantas, đối tác của JPA: “Kể từ khi Vietnam Airlines tham gia là cổ đông chính của JPA năm 2012, chúng tôi đã cùng nhau cải tổ lại JPA thành công”. Không khó để nhận ra dấu ấn đậm nét của Vietnam Airlines trong hành trình cải tổ hiệu quả, thành công Jetstar Pacific trong 3 năm trở lại đây, từ một hãng hàng không luôn lỗ, đến giảm dần số lỗ và có lãi.
Tháng 1.2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 94 điều chuyển nguyên trạng quyền đại diện vốn nhà nước tại JPA từ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước sang Vietnam Airlines. Thời điểm đó, việc Vietnam Airlines tham gia đầu tư vào một hãng hàng không chi phí thấp là phù hợp với xu thế của các hãng hàng không thế giới. Và hơn hết, với kinh nghiệm quản lý một hãng hàng không lớn, có năng lực về vốn, lao động, kinh nghiệm về đàm phán quốc tế và thế mạnh về thị phần, Vietnam Airlines đã góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu JPA.
Trước những khó khăn về tài chính của JPA, ngay sau khi tiếp nhận, cùng với sự hợp tác của các cổ đông như Qantas, VNA đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ để tái cấu trúc toàn diện JPA như hỗ trợ vốn gián tiếp cuối năm 2011, góp vốn bổ sung vào JPA 385 tỉ đồng năm 2012. Năm 2014, VNA và Qantas tiếp tục đầu tư tăng vốn điều lệ của JPA lên 765 tỉ đồng, trong đó VNA góp thêm 535,8 tỉ đồng.
Không chỉ bơm thêm vốn, VNA còn hỗ trợ trong các hợp đồng với JPA về giá cả và điều kiện thanh toán như giảm giá phục vụ mặt đất, giảm giá cung ứng xăng dầu, giảm chi phí thuê máy bay, thuê phi công. VNA cũng cử các nhân sự của hãng nắm giữ các vị trí quan trọng tại JPA như chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc, kế toán trưởng… Đồng thời phối hợp báo cáo các bộ từng bước xử lý các tồn đọng về cấp vốn, nợ đọng thuế, nợ chi phí xăng dầu cũ, tái cơ cấu đội bay của JPA…
Diện mạo mới của JPA
Với sự có mặt tích cực của VNA, đối tác Úc Qantas đã ký kết lại hợp đồng giữa các cổ đông, sửa đổi điều lệ JPA theo quy định của luật Doanh nghiệp, cũng như ký kết lại hợp đồng kinh doanh dịch vụ với JPA, giảm 50% khoản nợ tiền hedging cho JPA. Qantas cũng có rất nhiều động thái hỗ trợ tích cực khác như góp vốn bổ sung khi JPA tăng vốn điều lệ năm 2012 và 2014, chịu phần chênh lệch tiền lương trả cho nhân viên là người của Qantas Group, hỗ trợ JPA khai thác các đường bay TP.HCM - Singapore, TP.HCM - Bangkok, hỗ trợ JPA 1 triệu USD chi phí sơn máy bay theo logo mới…
Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu, JPA đã mở rộng mạng đường bay, thay đổi toàn bộ đội tàu bay sang chủng loại A320 để giảm chi phí. Đặc biệt, từ mức lỗ -403 tỉ đồng năm 2012, đến năm 2014 mức lỗ chỉ còn -159 tỉ đồng, tới 9 tháng đầu năm 2015, JPA đã báo lãi 80,8 tỉ đồng.
Từ mạng đường bay chỉ có 4 đường bay nội địa Hà Nội, TP.HCM, Vinh, Hải Phòng đầu năm 2012, VNA đã phối hợp chỉ đạo phát triển đường bay, đến nay JPA đã khai thác 32 đường bay nội địa và quốc tế. Nếu trước đây đội tàu bay của JPA chủ yếu là tàu bay Boeing 737 (gồm 5 chiếc Boeing 737 và 2 Airbus A320) vừa “già tuổi”, tốn chi phí bảo dưỡng lại không làm chủ được thời gian; thì với việc tái cơ cấu đội tàu bay, “thay máu” hoàn toàn sang máy bay A320 - dòng máy bay đồng nhất dây chuyền sửa chữa, bảo dưỡng với dòng A321 của VNA, đã giúp JPA tận dụng nguồn lực từ VNA, tăng năng suất lao động và giảm rất nhiều chi phí. Số lượng khách vận chuyển ước thực hiện năm 2015 trên 4 triệu lượt khách, tăng 123% so với năm 2012 (1,8 triệu lượt khách) khi mới tiếp nhận lại từ SCIC. Thu nhập bình quân của người lao động mỗi năm tăng bình quân 5%.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA, khẳng định: “Vietnam Airlines và Qantas Group sẽ tiếp tục đầu tư phát triển JPA theo mô hình hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác. Chúng tôi xác lập mục tiêu duy trì thị phần của hai hãng trên thị trường nội địa ở mức 70% và phát triển đội bay của JPA lên 30 chiếc vào năm 2020”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.