Cù lao… nhãn Thái

21/12/2012 12:42 GMT+7

Từ một giống cây trồng thử nghiệm, tới nay, nhãn Thái đã phủ xanh cù lao An Hòa (xã An Nhơn, H.Châu Thành, Đồng Tháp) và mang lại đời sống khấm khá cho bà con.

Cây kinh tế chủ lực

Năm 1997, ông Phạm Hữu Hiện (Út Hiện, 54 tuổi) mạnh dạn nhập giống nhãn Thái về trồng trên đất cù lao An Hòa, thông qua Công ty Awaming. Bất chấp những lời bàn ra tán vào, ông ngày đêm mày mò học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc với mong muốn giống nhãn có nhiều ưu điểm này sẽ phát triển mạnh trên đất cù lao. Rất mừng là chỉ sau 3 năm trồng, ông đã xử lý thành công cho nhãn ra hoa, đậu trái và những trái nhãn đầu mùa này đã mang về cho ông giải nhì Hội thi trái ngon ĐBSCL lần thứ 4 năm 2000.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, nhãn Thái có ưu điểm trái to, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt dịu. Hiện nay, khu vườn nhãn rộng 3 ha của ông Út Hiện mỗi năm cho thu hoạch từ 20 - 30 tấn/ha, được thương lái đến mua tại vườn với giá từ 28.000 - 32.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các chi phí, ông thu lãi không dưới 400 triệu/ha.

 Cù lao… nhãn Thái
 Ông Út Hiện giới thiệu nhãn Thái, giống cây mang lại cuộc sống khá giả cho bà con cù lao An Hòa

Trước đây, người dân ở cù lao An Hòa chủ yếu trồng nhãn long, nhãn da bò… nhưng các giống nhãn này dễ bị sâu bệnh và giá cả bấp bênh. Thấy ông Út Hiện trồng nhãn Thái đạt được kết quả khả quan, nhiều hộ dân trong vùng cũng thử trồng theo và đến nay, nhãn Thái đã trở thành cây kinh tế chủ lực ở cù lao An Hòa.

Chủ động cho nhãn ra hoa, đậu trái

Ra thăm vườn nhãn của ông Út Hiện, chúng tôi thấy có những cây đang chuẩn bị ra hoa, có cây vừa mới đậu trái và có nhiều cây đã tới đợt thu hoạch. Nghe chúng tôi thắc mắc về việc cây nhãn phát triển không đồng loạt, Út Hiện giải thích:  “Người nông dân thời nay phải biết chủ động trong việc tính toán thời vụ. Từ tháng 5 đến rằm tháng 8 âm lịch, trên thị trường tràn ngập nhãn miền Bắc, nhãn Trung Quốc. Để tránh tình trạng “trúng mùa, rớt giá”, tôi chỉ xử lý cho nhãn ra hoa, đậu trái vào thời điểm từ tháng 9 âm lịch trở đi. Bí quyết cho nhãn Thái ra hoa cũng khá đơn giản, chỉ cần sử dụng kali clorat (KClO3) hòa với nước và tưới vào gốc cây là được”.

Hiện nay, ông Út Hiện đã xây dựng được thương hiệu nhãn với logo riêng và đang đợi công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, ông xuất từ 200 - 300 tấn đi thị trường TP.HCM, Hà Nội và Trung Quốc với mức giá dao động từ  50.000 - 70.000 đồng/kg. Hiện không chỉ ở Đồng Tháp, giống nhãn Thái còn được trồng ở các tỉnh miền Tây khác như: An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang… và cả các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ông Phan Văn Sum, Phó phòng NN-PTNT H.Châu Thành (Đồng Tháp) đánh giá nhãn Thái là giống cây dễ trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. So với nhãn tiêu da bò, hiện nhãn Thái có mức giá cao gấp 4 lần. “Đặc biệt, nhãn Thái có ưu điểm ít bị bệnh chổi rồng. Nếu tỷ lệ mắc bệnh ở nhãn da bò đến hơn 90% thì nhãn Thái chỉ từ 5 - 10%. Đối với những hộ có ý định chuyển đổi cây trồng, chính quyền đã hướng nông dân chọn giống nhãn Thái”, ông Sum cho biết thêm.

Bách Hợp

>> Cảnh báo mối nguy của cây trồng biến đổi gen
>> Thận trọng với cây trồng biến đổi gien
>> Áp dụng cây trồng biến đổi gen một cách thận trọng
>> Máy bay Mỹ hạ cánh khẩn cấp vì báo động bom cấy trong người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.