Cú hích để cá tra Việt Nam tiếp tục ‘vượt vũ môn’

09/04/2018 07:30 GMT+7

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (PORC 13) thuế chống bán phá giá cá tra filett đông lạnh.

Mức thuế mới tăng cao chưa từng có từ trước đến nay, từ 2,39 - 7,74 USD/kg.
Với mức thuế chống bán phá giá (CBPG) ngất ngưởng như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp biết lường trước “trục trặc” của thị trường Mỹ và chuẩn bị cho mình tâm thế mới để tiếp tục đưa cá tra Việt “vượt vũ môn”.
Cửa xuất khẩu cá tra vào Mỹ có thật sự hẹp?
Từ đầu năm đến ngày 13.3.2018, có 14 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ với sản lượng khoảng 15.000 tấn, trị giá 57 triệu USD. Trên bình diện chung, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc - Hong Kong.
Không chịu ảnh hưởng từ thuế CBPG do biết chọn đúng phân khúc thị trường Mỹ đang cần, Công ty CP đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI (thành viên của Tập đoàn Sao Mai) chỉ chọn các sản phẩm như cá nguyên con, cá cắt khúc và một số sản phẩm khác để xuất sang Mỹ. Tại Hội chợ thủy sản Boston vào trung tuần tháng 3 vừa qua, IDI cũng đã nhanh chóng tìm kiếm thêm các đối tác tại các thị trường khác ngoài Mỹ, thuyết phục họ đồng ý nhập khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng như dầu cá, thực phẩm chế biến sẵn từ con cá tra.
Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường đích thực hiện nay buộc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải luôn có kịch bản ứng phó và tâm thế lúc nào cũng sẵn sàng cho cuộc chuyển mình đầy ngoạn mục của sân chơi toàn cầu. Thị trường Mỹ không phải bây giờ mới gây khó mà nhiều năm trước DOC cũng đã có những phán quyết rất duy ý chí khác. Thế nhưng, điều đó vẫn không khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chùn chân, trái lại còn mang đến cho họ những cơ hội mới. Suy cho cùng, đây cũng được xem như là cuộc so găng giá trị giữa cá da trơn của Việt Nam và cá nheo của Mỹ. Phần thắng sẽ nghiêng về phía nào biết tạo ra những sản phẩm mới bao hàm “kỳ công” đầu tư vào công nghệ sản xuất và chăm chỉ khai thác thị phần.
IDI - chú ngựa ô trong ngành thủy sản Việt Nam
Những năm gần đây, IDI nổi lên như một hiện tượng về cách làm ăn căn cơ. Hơn 10 năm qua, công ty này đã duy trì và không ngừng phát triển mô hình hộ nuôi liên kết, mỗi năm đảm bảo cung cấp hơn 80% cá nguyên liệu cho 2 nhà máy của công ty liên tục hoạt động.
Tiếp tục khép kín chuỗi giá trị cá tra, cuối năm 2017 và đầu năm 2018, IDI đã ký kết hợp tác bao tiêu toàn bộ cá giống với các hộ ương của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) và Hội nghề cá H.Châu Phú. Tham gia mô hình mới này, có khoảng 50 hội viên, trở thành vệ tinh cung cấp cá giống cho IDI. Thông qua việc kết nối này, công ty đã dần tạo bước tiến mới trong việc cải thiện chất lượng và hướng tới chủ động con giống thả nuôi theo kế hoạch dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Khi nắm giữ 2 đầu vào là nguồn cá giống và cá nguyên liệu thì cũng đồng nghĩa IDI nghiễm nhiên có khả năng chi phối mở rộng thị trường và tăng trưởng xuất khẩu.
Việt Nam đang là 1 trong 3 quốc gia đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ, sau khi chương trình thanh tra cá da trơn bắt đầu vào tháng 3.2018. Đặc biệt, kể từ tháng 8.2017, khi Mỹ kiểm tra 100% lô hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ, Việt Nam chưa có lô nào bị cảnh báo. Điều này cũng hé mở ra những tín hiệu lạc quan để xuất khẩu cá tra chạm mốc kim ngạch từ 1,82 - 2 tỉ USD trong năm 2018.
Trong bối cảnh thương mại thế giới hiện nay, IDI đang nỗ lực tạo sự bứt phá để cải thiện vị thế cho cá tra Việt Nam, đóng góp tích cực vào ngành hàng quan trọng này. Trong năm 2018, IDI dự kiến đạt tổng doanh thu 6.500 tỉ đồng, lợi nhuận 580 tỉ đồng trên cơ sở kết quả kinh doanh của năm 2017 đã đạt được 5.332 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế gần 350 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.