Cư dân Phù Nam ở Sài Gòn

28/07/2022 06:26 GMT+7

Lịch sử Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM cách nay khoảng 3.000 - 4.000 năm được biết đến qua tư liệu khảo cổ học và qua hệ thống di tích, di chỉ khảo cổ học Bến Đò, Hội Sơn, Gò Cát - Gò Quéo, Long Bửu (TP.Thủ Đức), Gò Sao (Q.12), Rỏng Bàng (Hóc Môn)…

Đặc biệt là khu di chỉ khảo cổ học trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và những phát hiện khác trong khu vực nội thành (Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Thảo Cầm Viên, Thư viện Khoa học Tổng hợp…). Hệ thống các di tích, di chỉ khảo cổ học nói trên có sự tiếp nối liên tục, chứng minh cho sự hình thành và phát triển lâu dài của lịch sử TP.HCM ở giai đoạn tiền sơ sử.

Tác giả (giữa) cùng các nhà nghiên cứu khai quật di tích Giồng Cá Vồ - Cần Giờ

TƯ LIỆU VIỆN KHẢO CỔ HỌC

Ghi nhận sớm nhất về dấu vết của cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo ở Sài Gòn chính là những ghi chép của sử gia Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí: Năm 1816, khi đào đất trùng tu chùa Gò Cây Mai (còn gọi là Mai Khâu - Gò Mai, nay là góc đường Hồng Bàng - Nguyễn Thị Nhỏ, P.15, Q.11), người xưa đã tìm thấy nhiều gạch ngói cỡ lớn và 2 miếng vàng hình vuông 1 tấc, nặng 3 đồng cân, ngoài mặt có chạm hình “yêu cổ cưỡi voi”. Sau này, khi nghiên cứu nhóm di vật này, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret cho rằng có thể là hình Indra cưỡi voi Aravata của văn hóa Óc Eo.

Tuy nhiên, cũng như các ghi chép về thành trì, đền miếu, chùa chiền…, đây chỉ là những mô tả qua phát hiện ngẫu nhiên, chưa phải là phát hiện mang tính khảo cổ học. Trịnh Hoài Đức chưa nhận biết đó là những vết tích vật chất của văn hóa Óc Eo và những người khai phá vùng đất này chưa nhận thức được có một nền văn hóa cổ từ hàng ngàn năm trước.

Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, Malleret phát hiện 2 pho tượng Lokesvara phong cách Óc Eo - tiền Angkor tại nhà dân, cùng với nhiều dấu tích cư trú cổ tại khu trường đua Phú Thọ (Q.10) đã được ghi nhận bằng kỹ thuật chụp không ảnh. Đặc biệt tại góc Lê Hồng Phong (Pétrus Ký) và Trần Hưng Đạo (Galliéni), năm 1940, Louis Malleret đã khai quật một phế tích kiến trúc và phát hiện pho tượng đồng hình người quỳ gối hai tay nâng chậu niên đại từ thế kỷ 5. Bên cạnh đó, người Pháp còn phát hiện những hiện vật khảo cổ học như tượng đầu ngựa khá đẹp ở chùa Vạn Đức (Bình Thạnh) với niên đại thế kỷ 7 - 8 thuộc văn hóa Óc Eo.

Ở khu vực ngoại thành, nhờ các phát hiện nghiên cứu khảo cổ học sau năm 1975 của các chuyên gia VN mà chúng ta lại có cơ may biết đến một loại hình của văn hóa Óc Eo qua hệ thống di tích di chỉ khảo cổ học trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và một số dấu tích trên địa bàn Củ Chi. Từ các kết quả nghiên cứu, chúng ta có thể ghi nhận loại hình di tích văn hóa Óc Eo và truyền thống của văn hóa này ở một số di tích, trong đó tiêu biểu có di tích Giồng Am.

Hiện vật đá văn hóa Óc Eo phát hiện tại góc đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM)

LƯƠNG CHÁNH TÒNG

Di tích Giồng Am nằm trước UBND H.Cần Giờ có diện tích hàng ngàn mét vuông. Tuy nhiên, phần lớn phạm vi di tích đã bị xóa sổ. Từ kết quả nghiên cứu khảo sát, năm 1992, di tích Giồng Am được khai quật với diện tích 100 m2. Cấu tạo tầng văn hóa cho thấy từ trên xuống các lớp đất không đều nhau, xen kẽ nhiều màu sắc và tơi xốp khác nhau. Lẫn trong các lớp đất này là hiện vật gốm, than tro tập trung thành từng cụm rải rác ở nhiều độ sâu khác nhau. Trên mặt bằng sinh thổ là các hố đất sét nguyên liệu, những hàng gạch xếp… Tầng văn hóa từ trên xuống dưới đều có hiện vật do chính cư dân Giồng Am đương thời tạo nên. Như vậy, quá trình sản xuất gốm lâu dài đã tạo nên di tích này chứ không thể chuyển đất từ nơi khác tới đắp. Niên đại C14 của Giồng Am là 1665 + 40 năm cách ngày nay. Từ kết quả xác định niên đại này, các nhà nghiên cứu thống nhất xếp di tích Giồng Am là một di tích văn hóa Óc Eo.

Cùng với di tích Giồng Am, khảo cổ học còn ghi nhận hệ thống các di tích nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có niên đại và tính chất thuộc thời kỳ vương quốc Phù Nam - văn hóa Óc Eo như: di tích Gò Ông Mai, di tích Gò Thị, di tích Ba Giồng, Giồng Lá Buông Ông Hần, di tích Giồng Chim, di tích Giồng Bà Lưới, di tích Giồng Lò Than, di tích Giồng Da.

Từ nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh sự diễn biến của đồ gốm cùng nhiều yếu tố khác, TS Nguyễn Thị Hậu, PGS-TS Đặng Văn Thắng đã phác dựng khu di tích khảo cổ học ở Cần Giờ là một trong những khu di tích quan trọng, chứng minh được nơi đây là một trong những con đường hình thành nên văn hóa Óc Eo với sự tiếp nối liên tục từ “tiền Óc Eo” lên Óc Eo qua diễn biến di tích: Giồng Cá Vồ (cách đây 2.500 năm đến 2.300 năm) - Giồng Phệt (2.300 năm đến 2.000 năm) - Giồng Am (2.000 năm đến khoảng 1.500 năm), và điều này phù hợp với thư tịch cũng như niên đại của hệ thống di tích cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Điều này cũng được PGS-TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN) xác định qua nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học Cần Giờ là một trong những con đường chính hình thành nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.