Cụ bà gần 30 năm nấu cơm từ thiện và hàng trăm câu chuyện Sống đẹp

Lê Nam
Lê Nam
26/03/2022 09:57 GMT+7

Hàng trăm câu chuyện sống đẹp, nhân văn lan tỏa rộng rãi đến hàng triệu độc giả thông qua cuộc thi “Sống đẹp” do Báo Thanh Niên tổ chức, để lại những dư âm tốt đẹp, thông điệp sống tử tế cho cộng đồng.

Từ sau năm 1995, trong một con hẻm nhỏ gần Công trường Dân Chủ, người ta đã truyền tai nhau “nhà bà Phương nuôi trẻ mồ côi”. Bữa sáng, bà Phương cho các em nhỏ 1.000 - 2.000 đồng mua gói xôi, bịch cháo. Còn cơm trưa, chiều, bà nấu để các cháu ăn chung cho có “mùi vị gia đình”.

Vừa nấu cơm nuôi trẻ mồ côi, bà Phương trích thêm tiền thương binh của chồng và tiền con cái cho hằng tháng để mua thêm gạo, dầu ăn cho những gia đình đặc biệt khó khăn và người già neo đơn sống gần nhà. Lấy ngắn nuôi dài, bà Phương lập thêm tổ làm giá đỗ, muối dưa, dán bao bì… đủ việc thời vụ để mọi người trong khu có việc làm và bà cũng có thêm tiền mua gạo, mua dầu.

Bếp ăn duy trì hơn 10 năm, những đứa trẻ ăn cơm nhà bà Phương cũng lớn, tìm được việc làm. Bếp cơm cũng bắt đầu có nhiều nhà hảo tâm đóng góp để nấu thêm nhiều suất cơm từ thiện. Đến năm 2017, UBND phường cấp mặt bằng trên đường Rạch Bùng Binh cho bếp cơm làm “trụ sở”.

Bà Phương cùng ngồi xem lại các kỉ niệm tại bếp ăn từ thiện của mình

lê nam

Giờ hẹn đến lấy cơm mỗi ngày là 9 giờ 30 phút. Các cô ở bếp chuẩn bị thức ăn cho 60 - 70 người ăn đủ 2 bữa trưa, chiều. Mỗi phần ăn có cơm, món mặn, món xào và canh. Thực đơn được thay đổi mỗi ngày để sinh viên khó khăn, người già neo đơn, cựu thanh niên xung phong mất sức lao động đến nhận cơm mỗi ngày không cảm thấy ngán.

Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Phương luôn có mặt khi bếp đến giờ phát cơm. Bếp có 2 người nấu chính. Cô Lê Thị Hạnh lo chuyện lặt rau, gọt củ quả và làm tài xế của bà Phương khi cần. Còn chuyện chiên xào, nêm nếm là của cô Huỳnh Thị Nở. Cả hai đều là những hoàn cảnh khó khăn và được hỗ trợ từ bếp cơm. Phụ bếp cơm từ những năm đầu, cô Nở “biết ý” của từng người đến nhận cơm.

Tùy vào thực đơn là trứng, cá hay thịt, tiền chợ mỗi ngày sẽ dao động từ 400.000 - 700.000 đồng. Để duy trì bếp cơm gần 30 năm nay, bà Phương khẳng định, sổ sách minh bạch là điều tiên quyết. Ngay tại bếp cơm, bà còn giữ những quyển sổ ghi chép những khoản nhận của bếp cơm qua từng năm. Gạo, mì gói, cháo dinh dưỡng được nhà hảo tâm chuyển đến đều có chữ ký xác nhận của tài xế.

Suốt 30 năm, bếp ăn nấu miễn phí cho nhiều người khó khăn, sinh viên nghèo

lê nam

Với những công việc thầm lặng của mình, tập thể bếp cơm từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3 và cá nhân bà Phương đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận các cấp. Ngày 12.3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương đã đại diện tập thể bếp cơm nhận Bằng khen của UBND TP.HCM vì “đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các chương trình xã hội từ thiện liên tục nhiều năm, được bình chọn, tuyên dương là tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố - lần 4”.

Câu chuyện của bà Phương và bếp ăn từ thiện là một trong hàng trăm câu chuyện sống đẹp mà bạn đọc Báo Thanh Niên gửi về tham dự cuộc thi Sống đẹp. Cuộc thi viết khép lại với những chân dung sống đẹp - những ngọn lửa ấm của giá trị văn hóa, nhân văn được thắp lên, soi chiếu vào bao ngày buồn, đầy khó khăn của đất nước vì đại dịch Covid-19.

Sau hơn 6 tháng phát động và diễn ra, cuộc thi đã nhận được 418 bài tham gia. Ban giám khảo vòng sơ khảo (của Báo Thanh Niên) đã chọn 40 tác phẩm vào vòng chung khảo. Cuộc thi sẽ trao 1 giải nhất trị giá 30 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 15 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích, mỗi giải 3 triệu đồng và giải bài viết được bạn đọc yêu thích nhất trị giá 5 triệu đồng.

Cuộc thi nhận được hàng trăm bài viết ý nghĩa, truyền cảm hứng sống tích cực, nhân văn hơn

ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online) trị giá 5 triệu đồng. Năm nhân vật được vinh danh do ban tổ chức và bạn đọc bình chọn, mỗi nhân vật được trao 30 triệu đồng.

Đặc biệt, bạn đọc Báo Thanh Niên sẽ được gặp gỡ và giao lưu trực tuyến với 4 (trong 5) nhân vật được vinh danh của cuộc thi tại Lễ tổng kết và trao giải diễn ra vào chiều ngày 25.3.2022.

Đánh giá về cuộc thi, nhà văn Trầm Hương viết: "Cảm ơn những “ngọn lửa” sống đẹp đã được thắp lên từ những trái tim nồng ấm dành cho cuộc đời, từ những việc làm ngỡ như giản dị, bé nhỏ, thầm lặng mà thật cao cả, phi thường. Lửa sống đẹp ấy đã truyền dẫn cho chúng ta sức mạnh vượt qua những ngày khó khăn trong đại dịch, có thêm niềm tin khi cùng nhau làm những điều dù bé nhỏ bằng trái tim vĩ đại, cuộc sống này sẽ đẹp hơn biết bao lần. Và cuộc thi với nhiều nỗ lực đã làm mới, lan tỏa những giá trị sống đẹp vào xã hội, đặc biệt tác động sâu sắc đến với những người trẻ hôm nay".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.