Cụ bà chữa đau lưng bất ngờ được sáng mắt sau 11 năm bị mù

Ngọc Quý
Ngọc Quý
01/06/2023 10:09 GMT+7

Do mắc một dạng bệnh tăng nhãn áp hiếm gặp, cụ bà Lynley Hood ở New Zealand bị suy giảm thị lực nghiêm trọng đến mức gần như bị mù. Không những vậy, bà còn bị chứng đau lưng hành hạ.

Điều kỳ lạ là khi tham gia một nghiên cứu về đau lưng, phương pháp kích điện được các nhà khoa học dùng để trị đau lưng bất ngờ lại giúp bà sáng mắt.

Mắc một loại tăng nhãn áp hiếm gặp

Cụ bà Lynley Hood (80 tuổi) là cư dân ở thành phố Dunedin (New Zealand). Trước đây, công việc của bà là viết văn và bà từng được trao một số giải thưởng về văn chương ở quê hương mình. Vào một đêm năm 2011, bà Hood đang đọc sách thì thị lực mắt trái bỗng dưng bị mờ, theo tờ New Zealand Herald.

Chuyện lạ: nghiên cứu chữa đau lưng vô tình làm sáng mắt cụ bà mù 11 năm - Ảnh 1.

Cụ bà Lynley Hood đã sáng mắt trở lại sau khi được kích điện vùng đầu

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Cụ bà nghĩ rằng mình mệt nên đã đi vào phòng ngủ. Nhưng sáng hôm sau, thị lực của bà vẫn bị mờ. Bà đến bác sĩ kiểm tra và phát hiện mắc một loại tăng nhãn áp hiếm gặp khiến mắt trái bị mất thị lực trung tâm, mắt phải thì mờ đến mức hầu như không thấy gì. Tình trạng 2 mắt như vậy khiến bà gần như bị mù, càng không thể đọc hay viết.

Bác sĩ cho biết loại tăng nhãn áp bà đang mắc sẽ không bao giờ cải thiện. Những gì chỉ có thể làm là giữ cho bệnh không tiến triển tệ hơn. Đến năm 2020, bà Hood bị té ngã và gãy xương chậu, khiến bà bị đau lưng dữ dội. Tuy nhiên, tai nạn tưởng như tồi tệ này lại dẫn đến cơ hội giúp bà sáng mắt.

Chữa đau lưng bất ngờ được sáng mắt

Cơn đau lưng đã khiến bà có cơ hội tham gia một nghiên cứu điều trị đau mạn tính của các nhà khoa học tại Đại học Otago (New Zealand) vào năm 2022. Mong muốn của bà khi tham gia nghiên cứu là để cải thiện được cơn đau lưng dai dẳng. Tuy nhiên, kết quả lại đến theo hướng không ai ngờ.

Trong nghiên cứu, các tình nguyện viên được yêu cầu đội một chiếc nón đặc biệt có hình dạng như nón bảo hiểm. Bên trong chiếc nón được gắn các điện cực để tạo kích thích điện lên bệnh nhân.

Các tình nguyện viên được chia ra làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất sẽ được kích thích sâu vào não, trong khi nhóm thứ 2 là nhóm đối chứng và chỉ được kích thích điện lên da đầu. Bà Hood nằm trong nhóm 2.

Nhưng sau 4 tuần được kích thích điện ở bề mặt da đầu, thị lực của bà Hood bỗng dưng hồi phục hoàn toàn. Cả nhóm nghiên cứu và bác sĩ nhãn khoa của bà đều không thể tin được chuyện này có thể xảy ra.

"Thật đáng kinh ngạc, thị lực của bà đã cải thiện nhiều đến độ bác sĩ nhãn khoa nói rằng đó là một phép màu. Phép màu của sự tình cờ", tiến sĩ Divya Adhia, một trong những người dẫn đầu nghiên cứu, nói với tờ Otago Daily Times.

Hiện tại, bà Hood đã bắt đầu đọc sách và viết văn trở lại. Nhóm nghiên cứu không rõ điều gì đã giúp bà Hood sáng mắt lại. Hiện tại, họ đang tiến hành một nghiên cứu khác song song với nghiên cứu đau mạn tính để tìm ra lời giải cho câu hỏi này, theo New Zealand Herald.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.