CSGT mật phục quán nhậu Sài Gòn, người bị kiểm tra nồng độ cồn nói 'xui quá'

16/05/2019 09:31 GMT+7

CSGT mặc thường phục ngồi cạnh các quán nhậu ở TP.HCM, khi phát hiện ai vừa nhậu xong mà vẫn tự chạy xe về sẽ báo qua bộ đàm để đội tuần tra công khai yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đã cướp đi tính mạng của nhiều người. Trong đó, nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện.
Khuya 15.5, Đội CSGT - trật tự (thuộc Công an quận 3, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Để nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý, 2 CSGT mặc thường phục đứng gần các quán nhậu, phát hiện ai vừa nhậu xong mà vẫn tự chạy xe về sẽ báo qua bộ đàm để lực lượng CSGT tuần tra công khai (đứng cách đó tầm 100 - 300 m) yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Nhiều người lắc đầu vì “xui quá, vừa bước ra khỏi quán nhậu đã bị thổi cồn, bảo sao không dính”.
CSGT mặc thường phục đứng gần các quán nhậu, khi thấy ai từ quán nhậu bước ra mà vẫn tự chạy xe về thì sẽ báo đặc điểm nhận dạng qua bộ đàm để lực lượng tuần tra công khai yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn
Một người đàn ông vừa bước ra khỏi quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn thì chạy xe rẽ vào đường Điện Biên Phủ. CSGT đã phát hiện và kịp thời yêu cầu anh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Với mức cồn vượt quá quy định cho phép, anh đã bị tạm giữ xe để đón một phương tiện khác về, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác
Tuy nhiên, không phải ai bước ra từ quán nhậu cũng đều uống rượu bia. Một số tài xế xe ô tô khi được kiểm tra nồng độ cồn thì hoàn toàn không có nồng độ cồn trong hơi thở. Họ cho biết: "Đã uống rượu bia thì không lái xe".
Nhận được thông báo về đặc điểm nhận dạng như: màu áo, loại xe, màu nón bảo hiểm qua bộ đàm, lực lượng CSGT công khai sẽ yêu cầu người vừa bước ra khỏi quán nhậu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.
Cô gái này cũng rất vui vẻ dù đây là lần đầu bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, vì chỉ uống soda chanh nên hoàn toàn không có nồng độ cồn trong hơi thở. Kiểm tra xong, cô gái nhìn CSGT tươi cười: "Kiểm tra nồng độ cồn vui quá"
Sau khi đứng kì kèo với CSGT rằng mình vẫn đủ tỉnh táo để chạy xe về nhưng không xin xe được, anh P. đành bắt GoViet để về nhà. Theo quy định, người uống rượu bia điều khiển xe sẽ bị tạm giam xe 7 ngày.
Chỉ trong ít phút đứng tại giao lộ Trần Quốc Thảo - Điện Biên Phủ (con đường một chiều mà nhiều người nhậu từ trung tâm thường chạy qua khi về nhà), CSGT đã lập biên bản và tạm giữ xe của nhiều người vừa đi nhậu về.
Tổ công tác tiếp tục di chuyển địa điểm đến phố nhậu bờ kè Hoàng Sa - Trường Sa. Nằm hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gió mát, đường vắng nên có nhiều quán nhậu. Tại con đường này, dù kiểm tra qua tin báo từ bộ đàm hay kiểm tra ngẫu nhiên, CSGT vẫn phát hiện nhiều trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở.
CSGT mặc thường phục tiếp tục đứng gần các quán nhậu để kịp thời thông báo đến tổ công tác công khai khi phát hiện người nào vừa bước ra khỏi quán nhậu mà vẫn chạy xe.
Ông N.V.D (50 tuổi) cho biết ông vừa nhậu với mấy ông hàng xóm, nhưng tới giờ đón con nên vội lấy xe chạy xe. "Tôi cũng biết uống rượu, bia lái xe là vi phạm luật chứ, mà mới uống 4 - 5 chai gì à. Đón con cũng ngay đây nên tôi tưởng không sao, nhưng giờ bị phạt thì chịu thôi", ông D. chia sẻ.
Vì nhà gần đó nên sau khi bị lập biên bản, ông D. đi bộ về.
Ông N.C.L có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,484 mg/lít khí thở. Trong lúc CSGT lập biên bản, ông đứng hút một điếu thuốc. Thấy chiếc taxi đi qua, ông L. đã bắt taxi và lên xe. CSGT thấy vậy liền gọi: "Chú ơi ký biên bản". Ông L. đáp: "Mày cứ giữ xe tao đi". Tuy nhiên, chỉ 1 phút sau, ông L. chạy lại đợi ký biên bản.
Trung tá Lê Văn Huynh, Phó Đội trưởng Đội CSGT- trật tự, Công an quận 3 cho biết trong công tác xử lý nồng độ cồn, lực lượng CSGT kết hợp với tổ công tác 363 kiểm soát trên những tuyến đường có nhiều quán nhậu vào ban đêm. Việc mật phục bảo đảm xử lý đúng người vi phạm. 
"Việc chúng tôi tạm giữ xe của người vi phạm nồng độ cồn là vừa đảm bảo quy định của Nghị định 46, vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân người đã uống rượu bia vẫn lái xe và những người tham gia giao thông khác", Trung tá Huynh chia sẻ.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
Đối với ô tô:
- Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.
- Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng, tước GPLX 4 - 6 tháng; tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Đối với mô tô, xe máy:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng; tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.