CSGT dừng xe, có phải chứng minh lỗi vi phạm nếu muốn kiểm tra giấy tờ?

26/04/2018 13:33 GMT+7

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip CSGT yêu cầu người chạy xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra, nhưng người chạy xe đã yêu cầu ngược lại CSGT chứng minh được lỗi vi phạm thì mới cho kiểm tra giấy tờ. Vậy trong trường hợp này ai đúng, ai sai?

Nhiều người vẫn cho rằng CSGT chỉ được dừng xe người đang tham gia giao thông khi phát hiện lỗi vi phạm và phải chứng minh được lỗi vi phạm đó. Hoặc có ý kiến cho rằng CSGT chỉ được dừng xe với người không vi phạm khi có lực lượng Cảnh sát cơ động đi cùng. Vậy vấn đề này đúng, sai thế nào? CSGT có phải chứng minh lỗi vi phạm của người chạy xe trước khi kiểm tra giấy tờ hay không?

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một Đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết theo quy định tại Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, CSGT có quyền dừng xe bất kỳ phường tiện nào để kiểm tra các loại giấy tờ, dù phương tiện ấy có vi phạm hay không.
Theo đó, CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, CSGT cũng có quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
"Do vậy, CSGT không cần phải chứng minh lỗi vi phạm của người chạy xe trước khi yêu cầu người chạy xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra", vị lãnh đạo đội CSGT nhấn mạnh.
CSGT được dừng phương tiện kiểm tra giấy tờ kể cả khi người lái xe không vi phạm Ảnh: Vũ Phượng
Trước đó, trả lời Báo Thanh Niên, Phòng PC67 cũng cho biết, ngoài trường hợp trên, thì CSGT còn có quyền dừng phương tiện trong các trường hợp sau: 
- Thứ nhất, khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thứ hai, khi đang thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thứ ba, thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.