CSGT đạp ngã xe người vi phạm: Quyền của CSGT khi tuần tra giao thông tới đâu?

Mã Phong
Mã Phong
16/12/2023 13:54 GMT+7

Luật sư Nguyễn Phong Phú cho rằng việc CSGT đạp ngã xe người vi phạm giao thông là không đúng quy định pháp luật, không đảm bảo an toàn trong việc dừng phương tiện kiểm tra, xử lý.

Liên quan clip 1 CSGT TP.HCM đạp ngã xe người vi phạm giao thông, dư luận rất quan tâm và đặt câu hỏi "CSGT có quyền được truy đuổi, đạp ngã xe người vi phạm giao thông hay không?". 

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Phong Phú (Công ty luật Mỹ Phú) cho rằng việc CSGT truy đuổi, đạp ngã xe người vi phạm giao thông là không đúng quy định pháp luật, gây phản cảm.

CSGT đạp ngã xe người vi phạm là không đúng quy định, phản cảm - Ảnh 1.

CSGT đạp lần thứ nhất vào xe người vi phạm

CẮT TỪ CLIP

Theo luật sư Phú, luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Thông tư số 32 năm 2023 của Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, CSGT có quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định. 

Xem nhanh 20h: Xôn xao clip CSGT đạp ngã người đi xe máy

Để thực hiện nhiệm vụ thì pháp luật cũng quy định CSGT có quyền dừng các phương tiện tham gia giao thông; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

CSGT đạp ngã xe người vi phạm là không đúng quy định, phản cảm - Ảnh 2.

CSGT đạp lần thứ hai vào xe người vi phạm

CẮT TỪ CLIP

Luật sư Phú cho rằng việc CSGT truy đuổi, dùng chân đạp ngã xe người vi phạm giao thông là chưa đảm bảo quy định tại Điều 17 Thông tư 32 năm 2023 của Bộ Công an về hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông. 

Điều này gây nguy hiểm cho người vi phạm, người tham gia giao thông trên đường và cả CSGT đang thi hành nhiệm vụ. Việc này gây phản cảm trong mắt người dân đối với CSGT. 

Theo luật sư Phú, trong trường hợp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, bỏ chạy thì CSGT phải bình tĩnh, ghi lại hình ảnh và phối hợp đơn vị liên quan xử lý hoặc phạt nguội. 

Đối với người dân tham gia giao thông phải chấp hành luật giao thông, hiệu lệnh của CSGT. Khi bị CSGT ra tín hiệu dừng xe nên chấp hành, tuyệt đối không bỏ chạy hoặc chống đối. Tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả gây ra, người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định pháp luật.

CSGT đạp ngã xe người vi phạm là không đúng quy định, phản cảm - Ảnh 3.

Người vi phạm mất thăng bằng tông vào xe máy người đi cùng chiều

CẮT TỪ CLIP

Liên quan đến clip CSGT đạp ngã xe người vi phạm giao thông, Phòng CSGT (PC08 - Công an TP.HCM) cho biết đã xác định những người liên quan. 

Sự việc xảy ra vào trưa 5.12 trước Nhà hát Hòa Bình (đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM). Anh T.H (30 tuổi) chạy xe tay ga màu trắng (biển số 59H1 - 66...) có hành vi vi phạm "không đi bên phải theo chiều đi của mình", thì bị Tổ tuần tra Đội CSGT Bàn Cờ (PC08) phát hiện ra tín hiệu dừng xe. Anh H. không chấp hành hiệu lệnh CSGT, điều khiển xe bỏ chạy. Lúc này đại úy Dương Hải đã dùng mô tô đặc chủng đuổi theo và đạp ngã xe anh T.H.

CSGT đạp ngã xe người vi phạm là không đúng quy định, phản cảm - Ảnh 4.

CSGT yêu cầu người vi phạm dựng xe lên sau khi bị đạp ngã xuống đường

CẮT TỪ CLIP

Theo PC08, việc đại úy Dương Hải đạp vào phương tiện để dừng xe người vi phạm là không đúng, gây phản cảm tạo dư luận xã hội không tốt. Sự việc ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Phòng CSGT đã tạm đình chỉ công tác đối với đại úy Dương Hải.

Quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát

Theo Điều 8, Thông tư số 32 năm 2023 của Bộ Công an quy định quy trình tuần tra, kiểm soát của CSGT, quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát được quy định:

  1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.
  2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.
  3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
  4. Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.
  5. Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
  6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 16.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.