CSGT cưỡng chế xe dừng, đỗ ở khu vực có biển cấm khi nào?

07/10/2022 13:28 GMT+7

Tại khu vực trung tâm TP.HCM, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, có biển cấm dừng xe và đỗ xe nhưng nhiều ô tô, xe khách vẫn đậu tràn lan gây kẹt xe. Nhiều trường hợp, CSGT phải cưỡng chế, đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý hành vi dừng, đỗ xe ô tô ở nơi có biển cấm, nhưng tình trạng này vẫn chưa cải thiện.

Ô tô dừng, đỗ trái phép trên đường là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TP.HCM

nhật thịnh

Tại khu vực trung tâm TP.HCM, nhiều trường hợp đậu ô tô ở khu vực có biển cấm dừng xe và đỗ xe bị CSGT cưỡng chế, đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm.

Vì sao có biển cấm, vẫn dừng, đỗ?

Khoảng 13 giờ ngày 20.9, anh L.N.T (quê Đồng Nai) có hẹn với khách hàng tại một quán cà phê trên đường Trần Nhật Duật (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM). Do quán hết chỗ đậu nên anh đậu ô tô bên đường. Khoảng 1 tiếng sau, khi ra về anh L.N.T không tìm thấy xe ô tô của mình.

Anh L.N.T cho biết: “Tôi thấy có biển cấm nhưng không tìm được bãi đỗ xe và đang có việc gấp nên đậu trước rồi chấp nhận đóng phạt. Tôi không nghĩ ô tô sẽ bị cưỡng chế”. Khi không tìm thấy xe, anh đoán đã bị CSGT cẩu đi, nhưng không nhận được thông báo nơi giữ ô tô, nên không biết đến đâu để giải quyết.

Sau đó, anh L.N.T đến trụ sở Đội CSGT-TT Công an Q.1, được cán bộ hướng dẫn đến Công an P.Tân Định giải quyết. Với lỗi đỗ xe ở khu vực có biển cấm, anh L.N.T bị xử phạt theo quy định.

“Phương tiện bị cưỡng chế, nhưng tôi không nhận được thông báo, nên rất lo lắng và không biết đến đâu để giải quyết”, anh L.N.T cho biết và nói thêm, CSGT có thể tra thông tin chủ xe vi phạm, thông qua biển số xe để làm việc trực tiếp không?

Đỗ xe trái phép trên đường Hàn Thuyên (Q.1)

nhật thịnh

Tương tự, anh T. (ngụ TP.HCM) cho biết, ngày 29.9, anh đậu ô tô trên đường Hàn Thuyên (Q.1) để đi cà phê. Khoảng hơn 30 phút, anh ra về thì không tìm thấy ô tô của mình. “Lúc đầu tôi nghĩ xe bị trộm, do không nhận được thông báo vi phạm. Lát sau chợt nhớ đậu ô tô ở khu vực có biển cấm đỗ xe, chắc bị cẩu về phường”, anh T. kể.

Cùng ngày (29.9), anh T. tra cứu địa chỉ, đến Đội CSGT-TT Công an Q.1, được cán bộ hướng dẫn đến Thảo Cầm Viên (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) để làm thủ tục nhận ô tô. Anh T. cũng bị xử phạt theo quy định để lấy xe về.

“Tôi và nhiều anh em tài xế không ai muốn đóng phạt, do khu vực trung tâm TP.HCM có ít chỗ đậu xe mà nhu cầu sử dụng thì nhiều...", anh T. nói và cho biết thêm, đối với lỗi dừng, đỗ xe ở nơi có biển báo cấm có thể phạt nguội được không, nếu phương tiện bị cưỡng chế, người dân đến đâu để được giải quyết?

Dừng, đỗ bao lâu thì bị cưỡng chế phương tiện?

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện lãnh đạo Đội CSGT-TT Công an Q.1 (TP.HCM) cho biết, có nhiều hình thức xử phạt lỗi dừng, đỗ ở khu vực có biển cấm dừng xe và đỗ xe. Tại khu vực trung tâm TP.HCM, mật độ phương tiện cao, việc dừng, đỗ xe trái phép là một trong các nguyên nhân gây kẹt xe.

“Việc cưỡng chế phương tiện được áp dụng khi chủ xe vi phạm không có mặt và tính cấp thiết phải đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm để đảm bảo giao thông được thông suốt, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân”, vị cán bộ cho hay.

Xe ô tô dừng, đỗ ở khu vực có biển báo cấm dừng xe và đỗ xe trên đường Nguyễn Huệ (Q.1)

nhật thịnh

Do đó, khi đoàn kiểm tra có mặt mà chủ xe vi phạm không có mặt, CSGT sẽ ghi hình làm bằng chứng, mời người làm nhân chứng ký tên vào biên bản niêm phong phương tiện để đảm bảo tài sản trong ô tô, đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm. Tổ công tác sẽ thông báo cho người dân xung quanh nói lại với chủ xe vi phạm hoặc thông báo cho công an phường sở tại để khi người dân không tìm thấy xe, đến liên hệ thì cán bộ hướng dẫn quy trình, thủ tục đóng phạt, nhận lại xe.

Về việc liệu CSGT có thể tra cứu thông tin chủ xe vi phạm thông qua biển số xe và mời đến hiện trường làm việc trực tiếp, vị cán bộ này cho biết: “Hiện nay, công an quận chưa được phân cấp trích xuất dữ liệu đăng ký xe ô tô. Khi cần xác minh thông tin chủ xe, đơn vị nơi phát hiện vi phạm phải có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cung cấp, chứ không xác minh nhanh được”.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), trường hợp đoàn kiểm tra có mặt mà chủ xe vi phạm không có mặt thì cơ quan chức năng dùng loa gọi chủ xe ra trình diện hoặc nhờ người dân báo nếu biết chủ xe vi phạm. Tuy nhiên không có quy định cụ thể chủ xe vi phạm vắng mặt bao lâu thì bị cưỡng chế phương tiện.

“Thông thường, CSGT dùng loa thông báo khoảng 20 - 30 phút, nếu chủ xe vi phạm không có mặt để giải quyết thì đoàn kiểm tra lập biên bản niêm phong phương tiện có chữ ký của nhân chứng, đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm”, luật sư Tuấn phân tích.

Trường hợp, đoàn kiểm tra gọi đơn vị tư nhân đến cưỡng chế phương tiện thì chủ xe vi phạm sẽ đóng thêm phí cẩu phương tiện, bến bãi.

Liên quan vấn đề này, một lãnh đạo Đội CSGT-TT Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, khi phát hiện ô tô dừng, đỗ nơi có biển cấm, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt nếu chủ xe vi phạm có mặt hoặc phạt nguội qua trích xuất hình ảnh từ camera.

Hiện hình thức phạt nguội được áp dụng theo Thông tư 15/2022/TT-BCA về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 65/2020/TT-BCA.

Trường hợp CSGT lập biên bản xử phạt trực tiếp, nếu chủ xe vi phạm có mặt, xuất trình đầy đủ giấy tờ CSGT sẽ lập biên bản phạt hành chính, không cưỡng chế phương tiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.