Covid-19 khiến bao phận đời khốn đốn trụ lại Sài Gòn: Nhịn ăn vì giảm lương, ít việc

27/07/2020 12:12 GMT+7

Dịch Covid-19 có dấu hiệu trở lại với các ca xuất hiện trong cộng đồng tại Đà Nẵng vừa qua. Trong suốt hơn 3 tháng người dân tái trở lại với công việc và cuộc sống thì nỗi ám ảnh đã dần dần trở lại. Nhớ về giai đoạn Covid -19 vừa rồi và sau giãn cách xã hội hồi tháng 4, nhiều người thu nhập vô cùng bấp bênh.

Dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp ở Việt Nam gặp khó khăn kèm theo hàng loạt công nhân bị giảm giờ làm, cắt giảm lương. Để ứng phó với tình trạng này, nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng” để chi tiêu phù hợp với khoản tiền lương nhận được hàng tháng. 
Thu nhập bấp bênh, làm 3 ngày nghỉ 10 ngày khiến đời sống của công nhân ở xóm trọ gặp khó khăn. Mức thu nhập giảm sút khiến nhiều người phải cắt giảm bữa ăn, giảm mua sắm để tiết kiệm chi phí.

Chung cư ở TP.HCM xôn xao vì bệnh nhân 420 mắc Covid-19 từng đến thăm con

Có trợ cấp vẫn khó khăn

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Hồng Tiến (42 tuổi) cho biết lương cơ bản hàng tháng của chị cũng như những công nhân khác làm việc tại một công ty chuyên ngành nghề giày, dép, thiết bị và phụ liệu, khi chưa có dịch bệnh bùng phát là 5 triệu đồng nếu không có tăng ca. Trước dịch, đa số công nhân đều được tăng ca nên tổng số tiền kiếm được hàng tháng ở mức 7-8 triệu/người. Hiện tại, những ngày không có việc làm nghỉ ở nhà, công ty hỗ trợ cho công nhân mỗi ngày 200.000 đồng trừ ngày chủ nhật.
“Bình thường tôi đi làm cả tuần chỉ trừ ngày chủ nhật nhưng bây giờ mỗi tuần chỉ làm được 3 ngày thôi. Tháng trước chúng tôi nghỉ nguyên tháng, tháng này vừa nghỉ vừa làm không cố định, làm được một tuần rồi lại nghỉ mười ngày nửa tháng”, chị Tiến kể.
Theo các công nhân cùng làm việc với chị Tiến, công ty thông báo đến khoảng tháng 10 - 11 mới có thể quay trở lại hoạt động bình thường nhưng vẫn còn phần nào tùy vào các đơn hàng mà khách đặt và tình hình dịch bệnh. Đồng nghĩa với việc cuộc sống bấp bênh của công nhân vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Dù là ngày giữa tuần nhưng công nhân ở nhà nhiều hơn ở công ty

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cũng là một công nhân làm việc tại một công ty ở quận Thủ Đức, từ tháng 5 đến nay công ty khó khăn nên chị Phan Thị Luyến (40 tuổi, quê Thanh Hóa) chỉ làm 4 ngày/tuần. Hai vợ chồng đều là công nhân nên thu nhập giảm đi đáng kể so với trước dịch, chưa kể có lúc ở nhà hết 15 - 20 ngày/tháng.
Mỗi ngày chị Luyến phải chi khoảng gần 100.000 - 200.000 đồng tiền đi chợ để mua đồ ăn và mua thêm một số đồ sử dụng trong nhà. Mỗi tháng tiền phòng trọ là 1,4 triệu đồng (bao gồm cả tiền điện, nước). Vì có con nhỏ nên chị Luyến phải đóng tiền giữ trẻ, tiền đồ ăn, chưa kể các phí khác phát sinh trong sinh hoạt cả ngày của cả gia đình. Hàng tháng lại phải chu cấp thêm tiền cho con gái lớn đang ở với ông bà nội ở Thanh Hóa khiến chị Luyến đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Bữa ăn của công nhân chủ yếu là rau, củ để tiết kiệm

Ảnh: Trần Kim Anh

Cùng chung công ty với chị Luyến, chị Đặng Thị Thu Lài (45 tuổi) tâm sự cả gia đình chị bây giờ ăn rau cho qua ngày, ăn cũng bớt lại mỗi thứ một chút cho đủ sống qua ngày, giảm lương nhưng vật giá giờ gì cũng tăng, cả nhà không ai dám... bệnh vì không đủ tiền đi bệnh viện.

'Nhiều khi nhịn ăn luôn cho qua ngày'

PV tìm đến một xóm trọ công nhân làm việc tại Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Dù là ngày giữa tuần nhưng xóm trọ vẫn có không khí của ngày cuối tuần như trước dịch Covid-19 bởi số công nhân ở nhà nhiều hơn đi làm. Họ nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí.
Chị Tiến cùng đồng nghiệp chuẩn bị bữa ăn trưa. Chị tiết kiệm tiền bằng cách tối giản bữa ăn bằng rau củ thay vì thịt và hạn chế mua đồ dùng nếu không cần thiết. “Nhiều khi nghỉ ở phòng nằm một mình, không đói và cũng nhịn ăn luôn cho qua ngày. Bởi mỗi tháng ít nhiều tôi vẫn sẽ phải tiết kiệm để gửi về cho gia đình ở quê, tôi còn mẹ và con trai cần phải lo nữa. Tiền thuê nhà và tiền điện nước mỗi tháng ở Sài Gòn thì đã hơn 2 triệu đồng”, chị bộc bạch.

Nhiều người phải nhịn ăn cho qua bữa để tiết kiệm tiền

Ảnh: Trần Kim Anh

Tìm đến những phòng trọ khác, chúng tôi gặp chị Thái Thị Gánh (42 tuổi, quê Đồng Tháp). Chị Gánh cùng chồng lên Sài Gòn thuê nhà trọ rồi cùng đi làm công nhân ở KCX Linh Trung 1. Sau Tết, chị Gánh làm việc bình thường được một thời gian sau đó cũng rơi vào tình trạng ngày làm ngày nghỉ như những công nhân khác.
Chị cho biết còn có một con trai 8 tuổi đang gửi cho bà ngoại ở quê nuôi. Trước dịch, hai vợ chồng chị làm một tháng thu nhập luôn trên 10 triệu đồng. Nay dịch bệnh cả hai vợ chồng bị giảm lương, còn được 9 triệu đồng để xoay xở tiền nhà trọ, tiền ăn, gửi 3 triệu đồng về quê hàng tháng cho ông bà chăm cháu.

Mỗi bữa ăn của công nhân đều phải "thắt lưng buộc bụng" để phù hợp với thu nhập hàng tháng

Ảnh: Trần Kim Anh

Đồng cảnh ngộ, chị Thái Thị Liên (41 tuổi) chia sẻ trước đây khi 2 vợ chồng chị cùng làm công nhân, đều đặn mỗi tháng thu nhập cả hai vợ chồng được tầm 15-16 triệu đồng. Từ khi có dịch bệnh, giảm lương, con số gần nhất của tháng trước chỉ còn chưa đến 10 triệu.
“Trước đây khi còn đi làm đầy đủ, gia đình chúng tôi ăn ngày 2 bữa, mua thêm đồ ăn cho con cái. Bữa cơm đều có thịt cá đầy đủ chứ nhưng giờ dịch giảm giờ làm, giảm lương thì giảm thịt rau cá lại, giờ đi chợ chắc ngày gói gọn trong 100.000 đồng. Tôi tiêu gần như hết khoản tiền mình kiếm ra được, may thời gian gần đây mấy đứa nhỏ nghỉ học vì dịch và giờ nghỉ hè nữa rồi nên cũng phần nào đỡ tiền học nên may vẫn đủ”, chị chia sẻ.
Chia sẻ với PV, một chủ trọ trên đường số 4 (P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) cho biết dãy trọ của anh có 36 phòng, phần lớn người thuê là công nhân làm việc tại KCX Linh Trung 1. Từ khi dịch bùng phát có 2 - 3 phòng trống vì người thuê trả phòng để về quê nhưng số lượng người ở lại cũng khá nhiều. Anh cũng cho biết thêm không chỉ dãy trọ của anh mà cả những dãy trọ lân cận đều gặp phải tình trạng chung là có phòng trống. “Công nhân không có đơn hàng mà làm, nghỉ hoài thì họ ở lại Sài Gòn cũng có làm gì đâu”, anh nói.

Sáng 27.7: Không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, BN416 và BN418 vẫn diễn biến nặng

TP.HCM có chi phí đắt đỏ
Numbeo, cơ sở dữ liệu toàn cầu báo cáo về giá tiêu dùng, tỷ lệ tội phạm, chất lượng chăm sóc sức khỏe... vừa công bố số liệu giữa năm 2020. Số liệu cho thấy chi phí sinh hoạt của Việt Nam ngày càng tăng, TP.HCM là thành phố đắt đỏ nhất cả nước.
Việt Nam đang giữ vị trí thứ 90/135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên bảng xếp hạng chi phí sinh hoạt giữa năm 2020 của Numbeo. So với cùng kỳ năm ngoái (2019) Việt Nam đứng thứ 95/136 quốc gia và vùng lãnh thổ, như vậy thứ hạng của Việt Nam đã tăng 5 bậc sau một năm.
TP.HCM có chỉ số sinh hoạt là 39,16. Theo đó, TP.HCM có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước với chi phí hàng tháng cho gia đình bốn người là trên 38 triệu đồng, chi phí hàng tháng của một người ở mức khoảng gần 11 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt ở TP.HCM thấp hơn 60,84% so với New York và giá thuê nhà trung bình tại TP.HCM thấp hơn 81,75% so với New York. So với các một số thành phố khác ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM có mức chi phí sinh hoạt cao hơn.

Giáo viên mầm non mở gian hàng để tự cứu mình qua dịch Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.