Covid-19 có thể sớm thành bệnh lưu hành

Liên Châu
Liên Châu
12/04/2022 05:44 GMT+7

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đang triển khai nghiên cứu thu thập dữ liệu để phân tích và đề xuất việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, đồng nghĩa với việc tỷ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức ổn định.

Với nhận định đó, WHO ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước

Ngọc Thắng

Theo Bộ Y tế, kế hoạch của WHO đưa ra mục tiêu: giảm và kiểm soát được số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới, đặc biệt là các trường hợp dễ bị tổn thương hoặc những người làm việc trong môi trường có nguy cơ, từ đó làm giảm khả năng xuất hiện các biến thể của vi rút và giảm áp lực đối với hệ thống y tế; tăng cường năng lực dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh Covid-19 nhằm giảm số ca mắc, tử vong và biến chứng hậu Covid-19. WHO cũng đang thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu mặc dù nhìn nhận chưa thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở thời điểm hiện tại. WHO đang khuyến khích các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Tại VN, Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới có xu hướng giảm tại hầu hết các tỉnh, TP trong tuần qua, số trường hợp tử vong giảm mạnh, còn trên dưới 30 ca mỗi ngày (ngày 10.4 ghi nhận giảm còn 19 ca tử vong). Bộ Y tế đang cập nhật, xây dựng kế hoạch đáp ứng và phòng chống dịch Covid-19 nhằm tiến tới chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch theo 3 tình huống phù hợp với hướng dẫn mới nhất của WHO.

Trong đó, tình huống 1: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên, do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần, dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước, cần tiêm vắc xin tăng cường định kỳ cho các nhóm ưu tiên.

Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn, không cần tiêm nhắc lại hoặc phát triển các loại vắc xin mới.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động đánh giá xu hướng tăng, giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; đồng thời nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.

Tình huống 3: Xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương, cần phát triển vắc xin mới hoặc triển khai tiêm mũi tăng cường trên diện rộng cho các nhóm.

Bộ Y tế đánh giá với diễn biến dịch như hiện nay các địa phương vẫn cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Trong đó, ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin. Bộ này cũng đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi tăng cường 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.