Covid-19 bùng phát ở TP.HCM: Đến Sài Gòn nhặt ve chai, ăn rau luộc hay xôi cầm chừng

06/06/2021 13:08 GMT+7

Vì dịch Covid-19 bùng phát, người thu mua ve chai ở Sài Gòn phải thắt lưng buộc bụng từng khoản, số ve chai kiếm được ít ỏi nhưng gánh nặng trên lưng thì vẫn vậy, mỗi bữa cơm giờ chỉ có rau luộc hoặc gói xôi để cầm chừng.

Từ 0 giờ ngày 31.5, TP.HCM sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 (Chỉ thị 15), của Chính phủ: Không được tập trung trên 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp và chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; người trên 60 tuổi hạn chế ra khỏi nhà khi không có nhu cầu cấp bách; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết.không tụ tập trên 5 người trở lên tại công sở bệnh viện trường học.
Những phận đời ve chai Sài Gòn rong ruổi ngoài đường sớm tối, chắt chiu từng đồng nay lại phải đối mặt với thử thách dịch bệnh lần thứ tư.

Phận đời mưu sinh ở Sài Gòn 'oằn mình' trong cơn hoạn nạn Covid-19

Bữa ăn qua loa

Bà Nguyễn Thị Thu Màu (50 tuổi, quê Quảng Ngãi) liêu xiêu đạp chiếc xe chất đầy bìa cát tông chui vào các hẻm Sài Gòn. Bà trùm kín mặt, để lộ đôi mắt với nhiều vết chân chim trước tuổi nhăn nheo lại vì nắng. Nghề vất vả dưới nắng mưa là vậy, nhưng bà đã gắn bó được với công việc này suốt 20 năm qua.

Bà Nguyễn Thị Thu Màu cho biết những ngày qua việc mua bán ve chai gặp khó khăn, bà phải ăn rau luộc cho qua bữa.

Ảnh: Cao An Biên

Bà Màu chằng buộc lỉnh kỉnh đồ đạc vào chiếc xe đẩy tự chế với dòng chữ xịt sơn đen nguệch ngoạc “ve chai”. Nhắc lại câu chuyện chọn nghề, bà Màu trầm ngâm hồi lâu, rồi xót xa kể, 7 năm sau khi lập gia đình, chồng bà mất vì điện giật, để lại mình bà với 2 con nhỏ. Thương chồng, thương con bà tự mình gượng dậy làm ruộng để lo cơm nước cho con.
“Nghề nông ba cọc ba đồng, năm thì hạn, năm thì ngập lụt nên thất bát lắm. Đợi tụi nhỏ lớn chút, tôi gửi cho bà ngoại rồi vào Sài Gòn kiếm tiền gửi về. Nghề này không cần vốn, cũng không đòi hỏi bằng cấp hay trình độ, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó là có thể kiếm được tiền”, vừa nói bà vừa xếp lại đống ve chai – thành quả sau một buổi đạp quanh khắp các hẻm Q.10.

Mùa dịch Covid-19, đã ít ve chai, giá lại giảm khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn

Ảnh: Cao An Biên

Để tiết kiệm chi phí, bà Màu ở chung với 20 người đồng hương cùng làm nghề ve chai trong một phòng trọ ở đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) giá 500.000 đồng/tháng. Bây giờ con gái bà đã lấy chồng, con trai học đại học cũng có thể tự làm thêm trang trải nhưng bà vẫn muốn tiếp tục công việc để không là gánh nặng cho con, vừa có khoản tiền để đó gửi cho các con khi cần.
Mỗi ngày, bà Màu nhặt ve chai từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mới về phòng trọ. Bà tâm sự: “Lần dịch Covid-19 nào cũng vậy, người ta ngại ra ngoài, hàng quán cũng đóng cửa hết nên làm gì có nhiều ve chai cho tôi mua. Bình thường, tôi kiếm được 200.000 - 300.000 đồng một ngày, thì nay ngày nào giỏi mới được 100.000 đồng, không thì 50.000 đồng. Để tiết kiệm, mấy ngày nay tôi chỉ ăn rau luộc cho qua bữa, ra đường cũng chỉ dám mua gói xôi ăn cho chắc bụng. Ăn rau luộc ngán thì lấy nó đem kho mặn, nặn thêm miếng chanh rồi ăn cơm thôi”, bà bộc bạch.

Chủ quán bò tơ nấu ngàn phần cơm trưa cho dân nghèo Gò Vấp giữa Covid-19

Ngôi nhà “ve chai”

20 giờ, ngôi nhà “ve chai” trên đường Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình) rộn ràng những tiếng nói đặc giọng Quảng của những người làm nghề thu mua ve chai sau một ngày bươn chải ngoài đường.

"Ngôi nhà chung" của hơn 20 người nhặt ve chai, có những người đã về quê tránh dịch Covid-19 nhưng cũng có những người phải trụ lại vì kế sinh nhai

Ảnh: Cao An Biên

Căn nhà rộng rãi, tầng dưới chất đầy ve chai của cả nhà và là phòng ở của gia đình ông Võ Văn Hiếu (45 tuổi) – người đứng ra thuê. Ở trên tầng, mỗi người được chia 3 ô gạch để ăn ngủ, quần áo, mũ nón treo đầy 2 bên tường và một gian khác để nấu nướng, tắm giặt.
Ông Hiếu cho biết, hơn 20 năm trước ông vào Sài Gòn và thuê căn nhà này để tạo điều kiện cho đồng hương có nơi nương thân, mỗi tháng 300.000 đồng, sau nữa là để ông thu mua ve chai của chính những người ở trong nhà.

Tầng 1 của căn nhà chất đầy ve chai

Ảnh: Cao An Biên

Chỉ vào căn phòng với hơn 8 người đang ngồi ăn cơm, bà Lê Thị Thuận (64 tuổi) nói: “Buổi tối có người về sớm, có người về trễ nên ăn riêng vậy thôi, chứ sáng thì vẫn ăn chung. Ăn chung chứ không có nấu chung à nha, ai giàu thì ăn ngon hơn”. Bà nói xong, cả phòng cười rôm rả.
Cũng theo lời bà Thuận, những người còn ở nhà này chủ yếu đều có hoàn cảnh khó khăn, mùa dịch Covid-19 phải trụ lại để kiếm thêm thu nhập. Những người khá hơn một tí thì về quê tránh dịch.
“Dịch bệnh, ai mà chẳng muốn về quê, gia đình cũng gọi lên miết bảo về đi nhưng mà về thì tiền đâu mà sống. Người lớn tuổi nhất ở đây đã 64 - là tôi đây còn người nhỏ tuổi nhất là 34, mỗi người có một hoàn cảnh riêng hết”, bà tâm sự.

Khu nấu ăn, tắm giặt của những người cùng làm nghề ve chai

Ảnh: Cao An Biên

Bà Bùi Thị Ngoạn (63 tuổi) tiếp lời bà Thuận, lạc quan: “Ế ẩm, cuộc sống khó khăn, không về quê nhưng tụi tui không thấy chạnh lòng hay cô đơn. Vì ở đây, mọi người coi nhau như gia đình, gì cũng giúp đỡ nhau nên có khó khăn như thế nào cũng dìu nhau sống qua được”.
21 giờ, ánh đèn đường vàng hắt vào ban công, trên đúng phần ô gạch được chia sẵn, người sắp xếp lại quần áo, người ăn cơm, người nằm, người ngồi nghỉ, đôi ba câu chuyện chung được kể, được chia sẻ, rồi những tiếng cười chốc chốc vang lên... Cứ vậy, kết thúc một ngày mưu sinh mệt nhoài của đời ve chai Sài Gòn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.