Cột mốc chủ quyền đặc biệt: Mốc ở miền sương mây

28/11/2022 08:00 GMT+7

Các mốc này nằm ở đoạn biên giới thuộc 2 hướng tây và đông tỉnh Hà Giang , thuộc địa bàn thời tiết khắc nghiệt, đi lại rất khó khăn.

Cặp cửa khẩu song phương

Buổi sáng giữa tháng 10.2022, từ cửa khẩu Xín Mần mờ mịt sương mù, chúng tôi dò dẫm bám theo đội hình tuần tra của Đồn biên phòng cửa khẩu Xín Mần đi kiểm tra mốc 200. Đi bộ theo đường mòn khoảng gần 1 tiếng đồng hồ, thiếu tá Phạm Hùng, Trạm trưởng kiểm soát biên phòng cửa khẩu Xín Mần, Đồn biên phòng cửa khẩu Xín Mần, chỉ tay: “Mốc 200 kia”.

Mốc 200 nằm trên đường phân giới giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Phía Việt Nam là địa phận thôn Péo Suối Ngài, xã Xín Mần (H.Xín Mần). Phía Trung Quốc là châu Văn Sơn (H.Mã Quan, Vân Nam).

Đội tuần tra Đồn biên phòng cửa khẩu Xín Mần tuần tra kiểm soát dọc đoạn biên giới phụ trách

M.T.H - N.Đ.L

Ngày 26.3.2018, được sự nhất trí của chính phủ 2 nước, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp địa phương phía Trung Quốc tổ chức lễ công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc). Ngay sau đó, phía Trung Quốc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng về phía đông bắc cửa khẩu Đô Long, biến khu vực rừng núi của bạn gần mốc 200 thành khu chung cư phức hợp và làm đường 4 làn xe, cách mốc 200 vài trăm mét.

Hàng rào do Trung Quốc lắp dựng dọc biên giới ở phía bạn, khu vực từ mốc 200 đến 2001

Ít dấu chân người

Từ TP.Hà Giang, chúng tôi lên Đồn biên phòng Tùng Vài ngủ lại một đêm và sáng hôm sau tiếp tục ngược hướng bắc lên Trạm kiểm soát biên phòng Cao Mã Pờ (thuộc Đồn biên phòng Tùng Vài) để cùng bộ đội đi tuần tra mốc 299/2 và 300.

Khoảng 2 tiếng đồng hồ trèo núi từ thôn Chín Chu Lìn (Cao Mã Pờ), đi theo đường mòn, đường lấy củi của dân… thì cũng leo tới khu rừng nguyên sinh nằm trên độ cao 1.800 m âm u mù mịt. Đại úy Quách Ngọc Dũng, Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Cao Mã Pờ, thoăn thoắt trườn qua vách đá, phạt ngang các cụm cây bụi mở đường.

Mốc giới số 200 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên sống núi, có độ cao 1.559,57 m, tọa độ địa lý 22° 47’ 56,835” vĩ độ Bắc - 104° 31’ 08,358” kinh độ Đông.

“Thời tiết trên này quanh năm sương mây ẩm ướt, sấm sét quật xuống liên tục nên người dân không dám lên đây lấy củi, tìm thuốc. Đường đi lối lại, tuần trước phát cành, tuần sau hoa lá đã mọc um tùm. Nếu không có kinh nghiệm, đi nhiều quen đường và thận trọng, rất dễ bị lạc”, đại úy Dũng chia sẻ.

Quả thật, ở khu vực mốc 299/2 và 300 nằm tít trong rừng, cao ngất đỉnh núi, đi cả tiếng đồng hồ không thấy bóng nhà, bóng người dân đi làm và điện thoại thì mất tịt sóng từ dưới chân núi, bị lạc đường thì quá nguy hiểm…

Gần 1 tiếng đồng hồ leo qua các vách đá, chúng tôi cũng đến mốc 300. Cột mốc uy nghiêm, lặng lẽ nằm giữa rừng táo gai màu đỏ tươi, trên đỉnh núi mờ đục sương mây và lạnh cóng.

Mốc giới số 300 là mốc đơn, loại nhỏ, làm bằng đá hoa cương, đặt trên dốc núi, có độ cao 1.812,60 m, tọa độ địa lý 23° 06’ 36,323” vĩ độ Bắc - 104° 49’ 41,744” kinh độ Đông.

Thiếu úy Nông Tuấn Anh (23 tuổi, đội trưởng vũ trang, Đồn biên phòng Tùng Vài) sau khi triển khai cho bộ đội, dân quân phát quang, kiểm tra, lau chùi, chào cột mốc… đã nhờ tôi chụp một tấm hình bên mốc 300, phía trên là màu đỏ rực của lá cờ đỏ sao vàng.

“Khó khăn vất vả mới là biên giới, là bộ đội biên phòng. Đi tuần tra, đến các mốc giới, dù là quen thuộc, lại càng yêu đất nước mình hơn”, thiếu úy Anh nói. (còn tiếp)

Cột mốc chủ quyền đặc biệt

Mốc đầu - mốc cuối

Mốc địa đầu Tổ quốc

Mốc 'số đẹp'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.