'Công ty cắt giảm hàng ngàn lao động thuộc lĩnh vực dệt may, công nghệ thông tin'

03/11/2022 17:40 GMT+7

Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, đến nay, đơn vị nhận được phương án sắp xếp lại lao động của 22 doanh nghiệp với tổng số 1.643 lao động bị cắt giảm , chủ yếu ở ngành may gia công, công nghệ thông tin , kinh doanh bảo hiểm.

109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động

Chiều 3.11, TP.HCM tổ chức họp báo kinh tế xã hội định kỳ tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022. Tại buổi họp báo, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã thông báo về tình hình cắt giảm lao động trong ngành may mặc, giày da.

Theo ông Lâm, chiều qua (2.11), Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có họp với các đơn vị liên quan để rà soát, đánh giá tình hình lao động trên địa bàn quý 4/2022.

Qua khảo sát nhanh 234 doanh nghiệp có quy mô từ 200 lao động trở lên ở các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao thì có 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động; 125 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời có 8 doanh nghiệp cắt giảm 39 lao động và có 83 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng.

Đối với doanh nghiệp trong khu công nghệ cao chưa ghi nhận tình trạng thiếu hụt lao động.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM thông báo về tình hình cắt giảm lao động tại buổi họp báo chiều 3.11

thành nhân

Tổng số 1.643 người lao động bị cho thôi việc

Về phương án sắp xếp lại lao động, theo quy định, người sử dụng lao động trước khi cho người lao động thôi việc phải trao đổi ý kiến với công đoàn cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho người lao động.

"Thống kê từ đầu năm đến nay, có 22 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lại lao động về cho Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số 1.643 lao động bị cho thôi việc. Đồng thời, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất chủ yếu ở ngành may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm", ông Lâm nói.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã giao Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM gặp trực tiếp đại diện các doanh nghiệp cắt giảm lao động; đồng thời phối hợp Phòng Việc làm - An toàn lao động, Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội phê duyệt phương án, có kế hoạch tổ chức tiếp xúc với công đoàn cơ sở, người lao động tại công ty thu hẹp sản xuất... để tổ chức lại lao động thông qua kết nối việc làm.

"Chúng tôi cũng thống nhất thành lập tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt đơn hàng hoặc nơi đang có đơn hàng giảm trong quý 4/2022 và quý 1/2023 để các bên có phương án xử lý, hỗ trợ cụ thể", lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết thêm.

Theo thống kê tính đến ngày 30.9, TP.HCM có khoảng 4,7 triệu lao động. Thị trường lao động TP.HCM cuối năm (trước Tết nguyên đán năm 2023) được đánh giá sôi động hơn năm ngoái.

Công nhân Công ty Tỷ Hùng rớt nước mắt khi gần 1.200 người bỗng mất việc

Tuy nhiên, những ngày gần đây có thực trạng nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng. Như trường hợp của Công ty TNHH Tỷ Hùng (Q.Bình Tân, TP.HCM) thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185/1.822 lao động vì "không có đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.