Công ty bỏ 300 khách ở Phú Quốc phá sản, đối tác Việt Nam đòi nợ được không?

21/02/2024 09:34 GMT+7

Các diễn biến sau vụ bỏ rơi 300 du khách Đài Loan ở Phú Quốc gây nhiều bất ngờ. Với việc công ty tuyên bố "phá sản", các đối tác Việt Nam đang hồi hộp về khả năng thu hồi nợ lên đến hơn chục tỉ đồng.

Nợ quá hạn Bamboo Airways hơn 3,1 tỉ đồng

Không chỉ nợ công ty du lịch tổ chức tour cho 292 du khách bị bỏ rơi hơn 3,4 tỉ đồng, We Love Tour còn nợ Bamboo Airways hơn 3,1 tỉ đồng tiền thuê máy bay đưa khách đến Phú Quốc và trở về trong Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Lin Dajun (Tổng giám đốc We Love Tour) thừa nhận đang gặp khó khăn về tài chính và không có khả năng bồi thường cũng như trả nợ. Hiệp hội Đảm bảo chất lượng du lịch Đài Loan tố cáo Lin có hành vi "cố ý lừa đảo". Văn phòng công tố quận Đài Bắc hôm 18.2 cho biết đã chủ động điều tra vụ án lừa đảo của Lin Dajun.

Tổng đại lý Đài Loan của Bamboo Airways, hãng chịu trách nhiệm vận chuyển hành khách, chưa nhận được hơn 4 triệu Đài tệ (hơn 3,1 tỉ đồng) tiền thanh toán chuyến bay thuê chuyến. Đơn vị này cho biết sẽ nộp đơn lên tòa án, theo truyền thông Đài Loan.

Công ty bỏ rơi khách ở Phú Quốc phá sản, đối tác Việt Nam đòi nợ được không?

Zhang Zhijia, Tổng đại lý của Bamboo Airways tại Đài Loan kiêm Chủ tịch Công ty Du lịch Qingze, khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý tại họp báo diễn ra vào ngày 19.2. Ông nhận định, Lin Dajun sẽ không bao giờ có thể trả lời được thời gian thanh toán khoản nợ. Thời hạn chuyển tiền ban đầu vào chiều 7.2 (trước chuyến đi) nhưng sau đó đã trì hoãn với nhiều lý do, kể cả "tai nạn xe hơi". Ngày 13.2, trong khi du khách bị bỏ rơi chưa về Đài Loan, Lin cam kết trả tiền vào 15.2, ngay sau khi đoàn lên máy bay về tới nhà. Tuy nhiên, hơn 4 triệu Đài tệ nhưng ông hiện chỉ mới nhận 200.000 tiền mặt.

Công ty bỏ 300 khách ở Phú Quốc phá sản, đối tác Việt Nam đòi nợ được không?- Ảnh 1.

Đại diện Winner Việt Nam thông báo thu tiền du khách bị bỏ rơi tại một khách sạn ở Phú Quốc

Hiệp hội Đảm bảo chất lượng du lịch Đài Loan cho biết tính đến 19.2 đã nhận được tổng cộng 56 đơn khiếu nại của du khách đối với We Love Tour và thời hạn cuối nộp đơn vào 18.3. Các khoản nợ cho đến nay của công ty bao gồm hơn 4,4 triệu Đài tệ của Winner Việt Nam, 4 triệu Đài tệ của Bamboo Airways, mức phạt 810.000 Đài tệ vì các sai phạm, khoảng 20 triệu tranh chấp với các đoàn khách bị bỏ rơi ở Phú Quốc…

Trước đó, chính quyền Đài Loan đã đình chỉ hoạt động We Love Tour trong 3 tháng, vì khiến 292 du khách Đài Loan bị bỏ bơ vơ không chỗ ở, thức ăn lẫn phương tiện đi lại trên đảo Phú Quốc từ 11 đến 14.2 vừa qua. Khoản chi phí mà Winner Việt Nam phục vụ cho đoàn được We Love Tour cam kết trả trước ngày 26.2.

Tuy nhiên, sự vụ trở nên phức tạp hơn khi We Love Tour ngày 16.2 tuyên bố "phá sản", không còn tiền để bồi thường cho du khách cũng như hoàn thành các hợp đồng.

XEM NHANH 20H 21.2: Công ty bỏ rơi khách ở Phú Quốc phá sản, đối tác Việt Nam đòi nợ được không?

Cách nào lấy lại tiền?

Các khoản nợ của We Love Tour ở nước ngoài được cho là khoảng 10 triệu Đài tệ, chưa kể 20 triệu khác nợ du khách trong vụ bể tour ở Phú Quốc. Tổng giám đốc công ty thừa nhận không có khả năng thanh toán số tiền này. Trong khi công ty chỉ có 10 triệu Đài tệ bảo hiểm du lịch, số tiền có thể được dùng để chi trả cho các sự cố nhưng hiện nợ đã vượt quá số tiền này.

Hiệp hội Đảm bảo chất lượng du lịch Đài Loan cho biết, nếu tổng số tiền yêu cầu bồi thường vượt quá giới hạn tiền ký quỹ, hiệp hội sẽ bù đắp tổn thất.

Công ty bỏ 300 khách ở Phú Quốc phá sản, đối tác Việt Nam đòi nợ được không?- Ảnh 2.

Lin thừa nhận không còn một xu để bồi thường cho du khách

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Tuấn Minh, Giám đốc Winner Việt Nam cho hay: Công ty từng nhận 700.000 Đài tệ (khoảng 500.000 triệu đồng) tiền đặt cọc của We Love Tour, cộng với số tiền công ty thu được từ một số du khách trong đoàn 292 người, thì hiện công ty Đài Loan nợ Winner Việt Nam 4,4 triệu Đài tệ (hơn 3,4 tỉ đồng).

"Trong lúc Cơ quan quản lý du lịch Đài Loan nhờ chúng tôi hỗ trợ nhân đạo lần 2 và đã dàn xếp cho 2 công ty thỏa thuận thanh toán thì cũng hứa hỗ trợ lấy lại số tiền này", ông Minh nói. Trong trường hợp chính quyền địa phương lên tiếng bảo vệ quyền lợi của công ty thì cơ hội thu hồi nợ sẽ rất cao, còn không nguy cơ mất trắng là không hề thấp.

"Biên bản thỏa thuận thanh toán vào ngày 26.2, chúng tôi đang chờ đợi tới ngày này. Nếu tới ngày đó, phía Đài Loan không thể thanh toán, chúng tôi sẽ cầu cứu chính quyền địa phương (cụ thể là TP.Phú Quốc và cơ quan quản lý - Sở Du lịch Kiên Giang - PV)", ông Minh chia sẻ.

Trong khi đó, Ziontour - công ty du lịch Việt Nam đã hợp tác với We Love Tour trong 11 năm, đã tố công ty du lịch Đài Loan liên tục trì hoãn thanh toán cho các đối tác Việt Nam và nợ ít nhất 4 nhà điều hành địa phương.

Ông Phan Anh Trí, Tổng giám đốc Ziontour (có trụ sở tại Đà Nẵng), cho biết We Love Tour nợ công ty ông 80.000 USD (khoảng 2 tỉ đồng) kể từ năm 2019, đến nay mới trả được 10.000 USD.

Công ty bỏ 300 khách ở Phú Quốc phá sản, đối tác Việt Nam đòi nợ được không?- Ảnh 3.

Du khách tố cáo We Love Tour sau khi về đến sân bay Đào Viên

Ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, cho rằng trường hợp bỏ khách và đòi nợ đối tác phá sản như Winner chưa từng ghi nhận ở Việt Nam. "Các công ty du lịch Việt Nam chưa từng rơi vào hoàn cảnh tương tự", ông Chí nói.

Theo ông Chí, trong trường hợp này, phía chính quyền địa phương ở Việt Nam khó can thiệp được, có chăng là tác động đến cơ quan ngoại giao phía Đài Loan để có hỗ trợ. Vấn đề là Winner vẫn phải chờ Hiệp hội Đảm bảo chất lượng du lịch Đài Loan xử lý từ 10 triệu Đài tệ bảo hiểm du lịch của We Love Tour nhưng chắc chắn sẽ ưu tiên bồi thường cho những du khách bị ảnh hưởng từ vụ đổ bể ở Phú Quốc, sau đó mới đến các đối tác nước ngoài.

Nếu đối tác không thể trả nợ, Winner Việt Nam phải kiện tụng, ra tòa ở Đài Loan. Khi đó, kinh phí có khi còn nhiều hơn cả khoản nợ phải đòi. "Câu chuyện rút ra từ vụ này, tôi cho rằng, thứ nhất đó là Winner đã không dứt khoát thanh lý hợp đồng, trả lại khoản cọc. Thứ hai, khi xảy ra sự vụ, thay vì ngay lập tức đứng ra 'cứu' đoàn khách, Winner cần báo cáo với cơ quan chức năng, cụ thể là chính quyền TP.Phú Quốc và Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, để có phương án hỗ trợ du khách kịp thời. Vấn đề này có đề cập trong luật, cụ thể tại điều 6 khoản 4 điểm a Nghị định 45/2019 là phải báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý về tai nạn, rủi ro, sự cố phát sinh xảy ra với khách du lịch", ông Chí phân tích.

Công ty du lịch Việt Nam từng bỏ 700 khách ở Thái Lan

Năm 2013, một đoàn khách 700 người Việt Nam du lịch kết hợp tham dự hội nghị tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, đã bị bỏ rơi.

Công ty tổ chức tour là Travel Life (TP.HCM) không thanh toán tiền cho công ty cung cấp dịch vụ vận tải ở Thái Lan là nguyên nhân dẫn đến vụ việc.

Công ty này lúc đó nhận hơn 4,5 tỉ đồng từ khách hàng để đưa hơn 700 khách sang Thái Lan nhưng do không tính toán nên chỉ riêng vé máy bay của chuyến đi đã đội lên 4,3 tỉ đồng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, Travel Life đã vi phạm nhiều quy định pháp luật như hoạt động không đúng với địa chỉ đăng ký và tổ chức tour nước ngoài khi không có giấy phép. Công ty bị phạt hành chính 81 triệu đồng. Sự vụ sau đó được chuyển cho cơ quan công an nhưng bế tắc vì du khách không đứng ra tố cáo, chủ công ty bỏ trốn...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.