Công trường căng mình thi công xuyên dịch

20/08/2021 06:13 GMT+7

Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, giãn cách xã hội tiếp tục gia hạn, nhiều công trình trọng điểm tại TP.HCM vẫn duy trì thi công, để đảm bảo tiến độ.

Công trường đỏ đèn, người đỏ quyết tâm

UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Xây dựng TP về danh mục các công trường, công trình xây dựng, giao thông cấp bách được tiếp tục thi công khi TP thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, bên cạnh các công trình xây dựng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, một số dự án hạ tầng trọng điểm như tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên), cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội, công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ vẫn được tiếp tục hoạt động thi công.
Liên tục cập nhật hình ảnh công nhân tại công trường tuyến metro số 1, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết những ngày qua, trên công trường chỉ còn tiếng máy móc hoạt động. Các kỹ sư, công nhân không còn rôm rả chuyện trò mà thay vào đó là giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Hiện nay, các gói thầu CP1a, CP1b, CP2 và CP3 đều đang tiếp tục thi công. Tổng số nhân lực huy động các gói thầu trong 1 tuần là 5.279 người. Trong đó, gói thầu CP1a áp dụng cả 2 hình thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”; gói thầu CP2 áp dụng “3 tại chỗ”. Hai gói thầu trên liên tục làm việc không ngừng nghỉ từ đầu mùa dịch đến nay.
Theo MAUR, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng tiến độ nhiều hạng mục của tuyến metro số 1 thời gian qua vẫn ghi nhận điểm sáng. Đơn cử, ngày 13.7, MAUR cùng các đơn vị liên quan đã chính thức đóng điện trạm biến áp 110 kV Bình Thái. Đây là bước chuyển giai đoạn từ sử dụng điện tạm sang lưới điện quốc gia, chuẩn bị cho các hoạt động kiểm tra và vận hành thử trong thời gian tới. Cùng ngày, đoàn tàu số 6 và số 7 đã cập cảng Khánh Hội, sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Ngày 16.7, hai đoàn tàu đã chính thức chạm ray an toàn tại depot Long Bình.
Tương tự, đại diện Công ty Đại Quang Minh - chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, thông tin vẫn quyết tâm yêu cầu các nhà thầu thực hiện các giải pháp cách ly theo chỉ đạo của UBND TP, đảm bảo vừa thi công đúng tiến độ vừa an toàn chống dịch. Đến nay, các kỹ sư, công nhân đã lắp đặt được 16/17 đốt dầm thép, hoàn thành 32/34 đốt trụ tháp, căng 52/56 bó cáp văng. Nhà thầu vẫn đang nỗ lực đảm bảo tiến độ cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được thông xe kỹ thuật vào tháng 9 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào quý 2/2022.

Nhiều khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ”

Theo đại diện Công ty Đại Quang Minh, các hoạt động trên công trường dự án cầu Thủ Thiêm 2 đều đảm bảo tuyệt đối công tác phòng chống dịch Covid-19. Các công nhân ngoài công tác bảo hộ đều được trang bị khẩu trang, văn phòng công trường bố trí dung dịch khử khuẩn, định kỳ khử khuẩn công trường... Khởi động trở lại vào đúng giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 nên để hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa sản xuất, sản xuất để chống dịch”, Ban Quản lý dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã tổ chức thi công dự án theo mô hình “3 tại chỗ” với khoảng 120 kỹ sư, công nhân làm việc theo ca.
“Khi triển khai “3 tại chỗ” thì không gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng rất lo vì chẳng may ghi nhận ca nhiễm thì mệt lắm. Phong tỏa, cách ly sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Vừa rồi, đơn vị cung cấp bê tông cho dự án bị phong tỏa vì có ca nhiễm, cũng gây khó nhưng may quá, đến nay cũng giải quyết được rồi”, vị đại diện này nói.
Trong văn bản báo cáo tình hình triển khai dự án tuyến metro số 1 mới đây, MAUR cũng ghi nhận ý kiến của các tổng thầu về nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch di chuyển tuân thủ quy định “1 cung đường - 2 địa điểm”. Cụ thể, các đơn vị đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, chi phí phát sinh, không chuẩn bị kịp cơ sở vật chất để đáp ứng phương châm “3 tại chỗ”. Việc yêu cầu các thầu phụ thực hiện chỉ duy nhất cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ công trường xây dựng đến nơi ở của công nhân cũng gây thêm nhiều khó khăn. Trước đó, do chưa kịp thời bố trí đáp ứng “3 tại chỗ”, một số chuyên gia của tư vấn NJPT đã phải chuyển sang làm việc online, kiểm soát công trường qua camera.
Với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn tuyệt đối trên công trường, MAUR đề nghị các tổng thầu tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt quy định bao gồm việc bố trí chỗ ăn ở với phương châm “3 tại chỗ” và đảm bảo “1 cung đường - 2 điểm đến”, lập phương án cụ thể thi công trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý khi có các trường hợp mắc Covid-19 tại công trường để chủ động kiểm soát tình hình.
“Tuyến metro số 1 hiện đã đạt 87,32% tổng khối lượng công trình. Công tác chuẩn bị vận hành, khai thác tuyến số 1 đang được gấp rút triển khai. Hình ảnh những kỹ sư, công nhân miệt mài nơi công trường giai đoạn này đại diện cho niềm tin TP sẽ chiến thắng đại dịch, mọi người đều bình an”.
Đại diện MAUR
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.