Công trình thủy lợi tiền tỉ “đắp chiếu”

Mạnh Cường
Mạnh Cường
22/09/2022 06:46 GMT+7

Công trình thủy lợi bậc thang Nà Vàng ở Quảng Nam đầu tư hơn 4 tỉ đồng giai đoạn 1 và đã nghiệm thu, bàn giao hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác vì… không có nước.

Làm kiểu nửa vời

Cuối tháng 10.2018, UBND H.Tiên Phước (Quảng Nam) quyết định phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình thủy lợi bậc thang Nà Vàng (ở thôn 2, xã Tiên Hiệp). Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư hơn 4 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến thi công khoảng 12 tháng gồm các hạng mục: đập dâng, đường ống, bể chứa, hố van. Dự án do Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng H.Tiên Phước làm chủ đầu tư, đơn vị thi công xây lắp là Công ty CP xây dựng Tân Tiến Chu Lai.

Bể chứa nước xây dựng xong từ lâu nhưng chưa thể cấp nước cho dân

MẠNH CƯỜNG

Điều đáng nói, mặc dù đã hoàn thành giai đoạn 1 và bàn giao cho UBND xã Tiên Hiệp từ tháng 8.2021, nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể khai thác, sử dụng vì… chưa có hệ thống đường ống dẫn nước từ bể chứa (dung tích khoảng 200 m3) về các vườn cây ăn trái của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thanh (54 tuổi, ở Tiên Hiệp) cho hay người dân địa phương “chưa hưởng được giọt nước nào” từ công trình này. “Một vài hộ dân trồng bưởi da xanh, nhưng do không có nước tưới tiêu nên cây không phát triển rồi chết dần. Hiện đa phần người dân đều trồng cây keo lá tràm xung quanh dự án”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, nước trong đập không có thì lấy đâu ra nước dẫn về bể chứa. “Họ xây một hệ thống với bể chứa to trên đỉnh đồi, rồi để đó. Khi người dân kiến nghị thì chính quyền địa phương bảo đang chờ cấp trên bố trí kinh phí triển khai giai đoạn 2 để dẫn nước về phục vụ dân. Tại sao một dự án lớn lại không làm luôn một lần mà cứ làm kiểu nửa vời, rồi đành bỏ hoang thời gian dài như vậy?”, ông Thanh thắc mắc.

Dừng rót vốn để kiểm tra chất lượng

Ông Trần Quốc Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp, cũng nhìn nhận do chưa thể triển khai giai đoạn 2 (đấu nối ống dẫn nước từ bể chứa xuống vườn của người dân) nên công trình chưa thể đưa vào hoạt động. “Để khai thác hiệu quả công trình này, địa phương cũng đã có tờ trình gửi UBND H.Tiên Phước bố trí kinh phí khoảng 1,5 tỉ đồng để tiếp tục thi công giai đoạn 2”, ông Ánh nói.

Khu vực xung quanh bể chứa nước trồng toàn cây keo lá tràm

Đáng chú ý, mục đích chính xây dựng công trình thủy lợi bậc thang Nà Vàng là phục vụ nước tưới cho gần 30 ha cây ăn trái tại địa phương. Nhưng theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, xung quanh khu vực bể chứa nước của công trình chỉ thấy trồng keo lá tràm. Về sự bất thường này, ông Ánh cho rằng vì chưa có nước phục vụ cho việc tưới tiêu cây ăn trái nên người dân tạm thời trồng cây keo lá tràm, khi có nước tưới thì người dân sẽ chuyển sang trồng cây ăn trái (bưởi da xanh). “Công trình này địa phương rất kỳ vọng, quan tâm. Thực sự, nếu có kinh phí thì chúng tôi cũng muốn đầu tư luôn một lần để người dân có nguồn nước phục vụ việc trồng cây ăn quả. Bởi chỉ có trồng cây ăn quả mới phát triển kinh tế của người dân. Địa phương cũng chỉ là đơn vị hưởng lợi nên tất cả phải phụ thuộc vào cấp trên”, ông Ánh chia sẻ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND H.Tiên Phước, cho hay ảnh hưởng của mưa bão thời gian qua dẫn đến nhiều hạng mục của công trình thủy lợi bậc thang Nà Vàng bị hư hỏng nên huyện đề nghị tạm dừng cấp vốn giai đoạn 2, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư (BQL dự án đầu tư xây dựng huyện) kiểm tra, báo cáo cụ thể sự cố hư hỏng để có phương án xử lý. “Việc hư hỏng phải có lý do, nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, hư hỏng là do thiên tai, lỗi thi công hay là do thiết kế và trách nhiệm này là thuộc về ai. Hiện giai đoạn 2 đã có chủ trương phê duyệt nguồn vốn nhưng buộc phải tạm dừng để đánh giá lại hiệu quả giai đoạn 1 của công trình”, ông Hương nói.

Theo ông Hương, sau khi BQL dự án đầu tư xây dựng huyện có báo cáo kiểm tra thì huyện sẽ tiếp tục thành lập tổ chuyên môn đi kiểm tra, đánh giá lại. “Phải tìm ra nguyên nhân gây hư hỏng và khắc phục công trình đập thì mới bố trí vốn để triển khai giai đoạn 2. Giờ bỏ tiền làm mà nguồn nước không về được vườn dân thì cũng như không. Dự án đầu tư hàng tỉ đồng mà lại bỏ hoang phí là không được!”, ông Hương khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.