Công trình chống sạt lở 'treo cẩu' chờ mặt bằng

10/09/2019 06:40 GMT+7

Theo báo cáo mới nhất của Khu quản lý đường thủy nội địa TP (Sở GTVT TP.HCM), tính đến tháng 5, trên địa bàn TP có 48 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Trong đó, 22 vị trí ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 20 vị trí nguy hiểm và 6 điểm sạt lở ở mức bình thường. Năm 2019, Khu quản lý đường thủy nội địa được cấp thẩm quyền làm chủ đầu tư thực hiện 21 dự án xây dựng thực hiện bờ kè bảo vệ tại các vị trí sạt lở. Tuy nhiên hiện mới chỉ có 4 công trình hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, 5 công trình tại 5 vị trí hiện đang dừng ở bước lập dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong 12 dự án đang triển khai thi công ngoài hiện trường, có tới 10 công trình đang gặp khó vì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Qua khảo sát trực tiếp, tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất hiện nay diễn ra dọc bờ sông Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Đây cũng là khu vực có nhiều gói thầu thi công bờ kè “ì ạch”, chậm tiến độ nghiêm trọng. Đơn cử, là 1 trong những công trình cấp bách nhưng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) có tổng chiều dài toàn tuyến kè là 2.797 m do Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh thi công đã hơn 5 năm vẫn chưa thể “về đích”.
Dự án được chia thành 2 gói thầu gồm xây dựng công trình phần dưới nước (76,7 tỉ đồng) và công trình trên cạn (204 tỉ đồng). Phần công trình dưới nước tiến độ thực hiện trong 8 tháng nhưng khởi công từ tháng 8.2014 đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Phần trên cạn dự kiến về đích vào tháng 3.2019 nhưng đến nay khối lượng thi công mới đạt khoảng 50%.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đặng, Phó tổng giám đốc Công ty Anh Vinh, cho biết do vướng GPMB, công trình phải hoạt động cầm chừng và vài tháng trước đã phải tạm ngưng hẳn.
“Gần 50 tỉ đồng thiết bị "đắp chiếu", anh em công nhân ngồi chơi, thiệt hại thêm vài chục tỉ đồng nhưng chúng tôi vẫn không dám thu thiết bị về mà để nằm tại công trường để chủ động, khi nào có mặt bằng tiếp tục làm ngay. Đến nay, phía Q.Bình Thạnh mới bàn giao được khoảng 60% mặt bằng. Tiến độ bàn giao cũng theo kiểu nhỏ giọt, giao đến đâu chúng tôi làm đến đó nên tiến độ dự án cầm chừng”, ông Đặng thông tin.
Tương tự, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 3, từ Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa), công trình xây dựng tuyến kè 3.241 m với tổng mức đầu tư trên 300 tỉ đồng hiện vẫn còn 3 gói thầu đang mời thầu và thi công cầm chừng.
Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa, cho biết từ ngày 1.5, các dự án này được giao về cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP tiếp quản. Khó khăn lớn nhất là khâu GPMB. Mặc dù UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh công tác đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 1.1.2018, nhưng đã gần 1 năm rưỡi trôi qua, hầu hết mặt bằng đều không được giao như tiến độ đã cam kết. “Công tác giải phóng chậm thật nhưng không phải địa phương thiếu trách nhiệm mà do cơ chế chính sách hiện nay phải qua từng bước vận động, trình giá đền bù T1, trình lên UBND TP, nếu TP đồng ý mới quay lại thỏa thuận với người dân. Trường hợp người dân không đồng ý lại phải xây dựng giá T2... Cứ như vậy, rất khó cho cả địa phương và chủ đầu tư", vị này cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.