Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Nhiệt huyết U.70

Du Yên
Du Yên
11/03/2024 08:40 GMT+7

Tuy đồng lương ít ỏi nhưng những người dân TP.HCM lứa tuổi U.60, U.70 nhiệt tình tham gia mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để hỗ trợ người dân, gắn người dân với y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế.

Hơn 15 năm gắn bó

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Đoàn Thanh Tố Hạnh (60 tuổi, tổ trưởng KP.7, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình đã gắn bó với công việc cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (CTV SKCĐ) tại trạm y tế (TYT) hơn 15 năm. Công việc của bà bao gồm tuyên truyền người dân diệt lăng quăng, muỗi để ngừa sốt xuất huyết, hỗ trợ tiêm ngừa cho trẻ, cho trẻ uống vitamin A định kỳ, hỗ trợ trong các đợt tiêm chủng...

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Nhiệt huyết U.70- Ảnh 1.

Các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng làm việc tại Trạm y tế P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

H.Đ

Theo bà Hạnh, nhóm CTV SKCĐ ở P.11 có 7 người, đa số ở lứa tuổi U.60 và U.70. Với mong muốn giúp TYT gần gũi hơn với người dân, suốt 15 năm qua, bà miệt mài tham gia công tác hỗ trợ sức khỏe cộng đồng. Là tổ trưởng nên bà Hạnh nắm rõ tình hình từng hộ gia đình trong khu phố, với bà đây là một lợi thế để kịp thời nắm bắt và phản ánh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đến với TYT, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và được hưởng các dịch vụ y tế dành cho họ.

Bà Hạnh chia sẻ ban đầu nhiều người dân chưa tin tưởng TYT, mỗi khi mắc bệnh lại tự mua thuốc chữa ở nhà, đến khi nặng hơn thì phải lên bệnh viện tuyến trên. "Tôi cũng khuyên người dân là có TYT phường gần nhà thì cứ ra khám xem sao. Mới thời gian đầu, mọi người không nghe, đi vận động một hai lần thì họ mới chịu. Một lần rồi sẽ có lần thứ hai, được một người chấp nhận thì sẽ có người thứ hai, thứ ba", bà Hạnh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, cơ sở vật chất và thuốc ở TYT cũng còn ít, không đủ cung cấp cho người dân. Nếu thuốc tại TYT có thể cung cấp đầy đủ thì độ tin tưởng của người dân đối với TYT cũng sẽ tăng lên thay vì họ phải đến các bệnh viện tuyến trên xa xôi, mất thời gian chờ đợi. "Đôi lúc khi mình đi tuyên truyền thì người ta dè bỉu kiểu "Trời ơi, TYT có đầy đủ gì đâu mà vô khám". Nếu TYT được hỗ trợ và quan tâm hơn nữa từ cấp lãnh đạo thì công việc kết nối giữa người dân với TYT cũng có thể hoàn thành tốt hơn", bà Hạnh nói.

Còn bà Huỳnh Thị Kim Chi (68 tuổi, ngụ P.11, Q.Bình Thạnh) cũng là một CTV SKCĐ gắn bó với TYT P.11 hơn 15 năm. Theo bà Chi, ngoài thuận lợi là có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình người dân vì là tổ trưởng tổ dân phố, đôi lúc bà cũng gặp khó khăn với những người "khó tính".

"Họ thường không muốn cung cấp thông tin cá nhân cho TYT phường để làm khảo sát về sức khỏe cộng đồng hay giám sát các điểm nguy cơ dịch bệnh. Ví dụ như những đợt diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết, khi yêu cầu người dân đổ các hũ chum đựng nước thì nhiều người khó chịu vì đổ đồ đạc của họ", bà Chi kể.

"Trạm y tế còn cần thì tôi vẫn sẽ cống hiến"

Từng tham gia phòng chống dịch Covid-19, bà Hạnh và bà Chi không ngại khó ngại khổ tham gia kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ người dân khu phố. Bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và gác lại những lo lắng từ gia đình, trong những ngày TP phong tỏa để chống dịch, bà Hạnh miệt mài hỗ trợ xin thực phẩm, thuốc men cho mọi người cũng như phối hợp kiểm soát, báo cáo tình hình dịch bệnh với y tế phường.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Nhiệt huyết U.70- Ảnh 2.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng Hồ Thị Mỹ Liên tham gia chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi

Du Yên

Nhớ lại những ngày đầu phong tỏa khu phố, bà Hạnh phải đi gõ cửa từng nhà để cập nhật tình hình nhiễm bệnh của các hộ dân. Đáp lại tiếng gõ cửa của bà là sự im lặng và những lời từ chối vì lo ngại đi cách ly hay sợ lây nhiễm dịch bệnh. Mất rất nhiều thời gian bà Hạnh mới có thể thuyết phục để người dân cung cấp thông tin cho y tế phường. Đôi lúc bà phải nhờ đến lực lượng công an phường mới có thể thu thập đầy đủ thông tin từ một vài hộ "khó tính".

Hiện TP.HCM đang trong quá trình tuyển chọn lại CTV SKCĐ mới (sẽ sử dụng lại CTV cũ nếu đủ điều kiện, khi PV hỏi có muốn tiếp tục tham gia hay không, bà Hạnh vui vẻ: "Nếu như TYT còn cần thì tôi vẫn sẽ cống hiến".

Bà Hạnh chia sẻ thêm bà tham gia các công tác của phường, của TYT với tinh thần giúp đỡ mọi người là chính. Trước đây, khi được quận hỗ trợ 100.000 đồng/tháng thì với bà đó là một niềm vui khích lệ trong công việc còn động lực chính để bà tiếp tục công việc là niềm vui khi được hỗ trợ cộng đồng.

Người trẻ cũng tham gia

Không chỉ người cao tuổi mà nhiều người trẻ cũng tích cực đảm nhận vai trò CTV SKCĐ. Điển hình như Hồ Thị Mỹ Liên (22 tuổi, ngụ P.15, Q.Bình Thạnh) là một trong hai CTV SKCĐ vừa mới tuyển chọn của TYT P.15. Trước đó, khi tham gia phòng chống dịch Covid-19, Liên có mối quan hệ gắn bó với các nhân viên y tế phường. Vì vậy, khi nghe nói TYT cần CTV SKCĐ thì cô nhanh chóng đăng ký.

Những công việc mà Liên tham gia phụ trách gồm hỗ trợ chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi, cập nhật các ca mới sinh cho TYT, vận chuyển mẫu bệnh phẩm lao lên trung tâm xét nghiệm để cập nhật tầm soát lao tại phường… Liên tâm sự vừa làm công việc bán bảo hiểm xe máy, vừa tham gia làm CTV SKCĐ giúp cô có thể tăng thêm mối quan hệ và học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng sống hơn.

Vì tuổi còn khá trẻ nên đôi lúc Liên cũng yếu lòng với những lời dị nghị hay đàm tiếu như "làm màu, việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng". Nhưng học tập từ anh chị, cô chú đi trước luôn kiên định với công việc, cô nhanh chóng lấy lại tinh thần và tâm niệm "không làm việc trái với lương tâm thì không sợ". Những lời chỉ dạy từ người đi trước như "Em cứ làm điều tốt đi, một ngày nào đó em sẽ được hưởng trái ngọt" là động lực để Liên hoàn thành tốt công việc CTV SKCĐ của mình.

Bác sĩ Hồ Đình Đồng, Trưởng TYT P.11 (Q.Bình Thạnh), cho biết hiện nay trạm đang cần tuyển 42 CTV SKCĐ, theo đó mỗi khu phố (150 - 200 hộ dân) cần từ 3 hoặc 4 CTV. Theo ông, trước kia, mỗi khu phố chỉ có một CTV mà phần nhiều là các cô chú lớn tuổi nên công việc cũng quá tải. Vì vậy, trong công tác phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng hay công tác điều tra ca bệnh, các CTV sẽ phối hợp với các lực lượng khác của phường để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bác sĩ Đồng cho biết thêm hiện nay đã nhận được nhiều đơn đăng ký tham gia CTV SKCĐ. Tuy nhiên, TYT vẫn ưu tiên động viên các CTV SKCĐ cũ đăng ký tham gia vì họ đã nắm được tình hình trên địa bàn nên sẽ dễ dàng làm việc hơn.

Theo đề án "Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.HCM", TP.HCM có gần 2,4 triệu hộ dân cư, cần 16.218 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Mỗi cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phụ trách từ 150 - 200 hộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.