YouTube bị tố quảng bá thông tin chữa ung thư sai lệch

15/09/2019 16:53 GMT+7

YouTube khuyến khích quảng bá những video chữa trị ung thư sai lệch và hưởng lợi rất nhiều từ những mẫu quảng cáo trong các clip gây hiểu lầm và nguy hiểm này.

Điều tra trên YouTube, BBC nói rằng phát hiện hơn 80 video chứa thông tin sai lệch về sức khỏe, cụ thể là những video giới thiệu phương pháp chữa ung thư. Mười trong số các video này có hơn một triệu lượt người xem, và thu hút được nhiều quảng cáo.
Các video giới thiệu "phương pháp chữa trị" ung thư bằng bột nghệ hoặc “baking soda”, nhưng thực tế những chất này chưa được chứng minh là có khả năng chữa bệnh ung thư. Chế độ ăn kiêng hoặc chỉ uống nước trái cây cũng được giới thiệu là cách chữa bệnh ung thư và được tìm thấy trên YouTube, theo BBC. Một số YouTubers giới thiệu cả sữa lừa hoặc uống nước sôi là phương thuốc “hiệu nghiệm” có thể đẩy lùi bệnh ung thư. Tuy nhiên, trên thực tế không có phương pháp nào được thử nghiệm lâm sàng.
Xuất hiện trong các video clip “chữa ung thư” là những mẫu quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, Heinz và Clinique. BBC cho rằng YouTube hay công ty thuộc sở hữu kênh này là Google cũng như các nhà sản xuất video đều kiếm khá nhiều tiền từ các clip không đúng sự thật.
Các clip xuất hiện ở 10 ngôn ngữ gồm Anh, Bồ Đào Nha, Nga, Ả Rập, Ba Tư, Hindi, Đức, Ukraine, Pháp và Ý. Bên cạnh mẫu quảng cáo của các công ty, còn có trường đại học xuất hiện trong các clip này.
Một YouTuber người Nga, Tatyana Efimova đã đăng clip "phương pháp chữa trị" ung thư bằng “baking soda”, nói rằng cô không phải là bác sĩ và muốn chia sẻ câu chuyện của một người mà mình biết. Cô cho hay muốn đưa lên mạng để mọi người biết và tự quyết định có nên uống hay không. Sau khi được BBC liên lạc, cô đã gỡ video.
"Một số thông tin trên YouTube và internet thực sự rất nguy hiểm và không được sàng lọc", Giáo sư Justin Stebbing, chuyên gia ung thư hàng đầu tại Đại học Hoàng gia London, nhận xét.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy hiểm của thông tin do người dùng tạo ra trên mạng xã hội như YouTube, đó là phần nhiều chúng được giới thiệu không dựa nền tảng y khoa nào.
Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Georgia Southern, Isaac Chun-Hai Fung cho biết ông cùng với sinh viên của mình thực hiện một cuộc nghiên cứu trên YouTube và phát hiện ra rằng bất kể chủ đề là gì, đa số những video nằm trong top 100 clip phổ biến nhất trên kênh này do những người không có chuyên môn về sức khỏe cũng như không có kiến thức về khoa học thực hiện.
"Cần có các video giáo dục chất lượng cao bằng nhiều ngôn ngữ cho những người không chuyên. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên phối hợp với các chuyên gia truyền thông. Tôi không nghĩ hiện nay có đủ đầu tư và sự quan tâm vào điều này", ông Fung phát biểu.
YouTube đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của BBC. Trong một tuyên bố, công ty nói rằng "Thông tin sai lệch là một vấn đề khó khăn cũng là thách thức” và đang cố gắng giải quyết vấn đề này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.