Vì sao thuyết âm mưu liên kết 5G với virus Corona không sớm biến mất?

10/04/2020 15:53 GMT+7

Đơn giản là vì sự lây lan của virus Corona chủng mới đang tỏ ra khó kiểm soát, nên các thông tin sai lệch xung quanh dịch bệnh này cũng vậy.

Một trong những thuyết âm mưu vô căn cứ gần đây nhất xung quanh virus gây dịch Covid-19 là mạng 5G, thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây đang dần được phủ sóng trên khắp thế giới. Thuyết âm mưu này cho rằng 5G đang góp phần thúc đẩy đại dịch Corona chủng mới trên toàn cầu. Rất may sự thực không phải vậy.
Các tuyên bố vô căn cứ về mối liên hệ được cho là tồn tại giữa 5G và Covid-19 bắt đầu lưu hành trên các trang mạng lá cải của internet, nơi những người trục lợi về lượt xem đã chơi khăm nhiều người trên toàn cầu rằng những kẻ tài phiệt đang sử dụng 5G để phát tán virus Corona chủng mới. Các thuật toán không phân biệt được tin giả nên đã góp phần giúp phát tán các thông tin này, đưa thuyết âm mưu vô căn cứ này vào các kênh tin chính thống.
Các quan chức ở Vương quốc Anh đã bày tỏ lo ngại rằng, các cuộc tấn công gần đây vào các tháp phát sóng di động được kích động từ các thuyết âm mưu vô căn cứ. Trong đó, nam diễn viên Woody Mitchelson và ca sĩ MIA là một trong số những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đã góp phần lan truyền các tin giả (fake news) này đến với hàng triệu người theo dõi họ trên toàn cầu.
Đến giờ, không có bằng chứng nào hỗ trợ cho thuyết âm mưu nói rằng mạng 5G góp phần tạo ra virus gây bệnh Covid-19 hay phát tán nó, nhưng thuyết này vẫn không sớm biến mất.
Dưới đây là những điều cần biết về mạng 5G, thuyết sai lầm này xuất hiện như thế nào và tại sao chúng ta không theo kịp tốc độ phát tán của chúng?

Cách 5G hoạt động

Có một số giả thuyết liên kết 5G và Covid-19 với tuyên bố đơn giản rằng các mạng 5G gây ra Covid-19 hoặc các triệu chứng nhiễm bệnh. Đáng sợ hơn, một số còn cho rằng mạng 5G phát ra bức xạ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến con người dễ nhiễm trùng hơn.
Để phá vỡ thuyết vô căn cứ này, chúng ta phải hiểu chính xác 5G là gì.
5G là công nghệ mạng không dây thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ, giúp thay đổi cách mà chúng ta sống và làm việc. Các ứng dụng tiềm năng được hưởng lợi bao gồm xe tự hành, phẫu thuật từ xa, các nhà máy tự động hóa… mặc dù vẫn còn lâu chúng ta mới nhận thấy những thay đổi này.
Sự khác biệt lớn giữa 4G và 5G là tốc độ nhanh hơn, băng thông cao hơn và độ trễ thấp hơn khi giao tiếp giữa các thiết bị và máy chủ. Các tín hiệu 5G chạy trên các tần số vô tuyến mới, đòi hỏi phải cập nhật đầu thu và thiết bị phát trên các tháp sóng di động lẫn điện thoại của người dùng. Các nhà mạng xây dựng mạng 5G siêu tốc đang phải lắp đặt hàng tấn trang thiết bị di động vào các trạm phát, các cột đèn… thường ở gần nhau do độ phủ của chúng thấp hơn 4G. Cho đến nay, các mạng 5G chủ yếu mới được triển khai ở một số ít thành phố lớn.

Tại sao mọi người liên kết 5G và Covid-19?

Một số trạm 5G ở Anh bị những kẻ quá khích đốt cháy vì cho rằng chúng phát tán Covid-19

Ảnh chụp màn hình TheSun

Mạng 5G bắt đầu được triển khai thử nghiệm tại một số thành phố và quốc gia vào năm 2018, nhưng phải tới năm 2019 chúng mới được phủ sóng rộng rãi hơn, cùng năm với sự kiện Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Những người ưa thích thuyết âm mưu đã nhanh chóng liên kết hai thứ dường như không liên quan này, bỏ qua tính logic và tương quan nhân quả.
Kết quả là nhiều người trên internet đã chia sẻ hai bản đồ của Mỹ cho thấy các khu vực bị Covid-19 tấn công mạnh nhất cũng là nơi đang được phủ sóng mạng 5G. Trong khi đơn giản điểm chung giữa những khu vực này là các trung tâm đô thị có mật độ dân số lớn, dễ bị tổn thương hơn với sự lây lan của virus, nhưng đó cũng là những khu vực được ưu tiên phủ sóng 5G sớm hơn những nơi khác. Bám vào sự trùng hợp đó, những kẻ cuồng tín đã bỏ qua những bằng chứng khác vốn có thể giúp họ “tỉnh ra” và bác bỏ chúng. Chẳng hạn, dù Iran chưa có mạng 5G nhưng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Nâng cấp lên cơ sở hạ tầng không dây đã được liên kết sai với các loại bệnh trước đây và điều tương tự đã xảy ra với virus Corona chủng mới trong thời điểm nhạy cảm này. Nhiều thuyết âm mưu 5G/Covid-19 được liên kết với các nhóm từ lâu đã tuyên bố rằng sóng không dây gây ung thư, mặc dù không có bằng chứng xác thực nào chứng minh điều này.
Nghiên cứu cho thấy sóng tần số vô tuyến (RF) phát ra từ điện thoại di động không có đủ năng lượng để làm hỏng DNA trực tiếp hoặc làm nóng các mô cơ thể - mức năng lượng của chúng thấp hơn ngay cả các công nghệ đã được sử dụng từ lâu như lò vi sóng và TV. Hơn nữa, tín hiệu 5G thực sự tệ hơn trong việc xâm nhập các đối tượng so với tín hiệu 4G, đó là lý do tại sao mạng 5G yêu cầu nhiều trạm di động nhỏ hơn để lắp đặt gần nhau nhằm tăng mật độ phủ sóng.

Các nỗ lực nhằm hạn chế lây lan tin đồn thất thiệt này

Theo CNN, các mạng xã hội và internet đã bắt đầu thực hiện nỗ lực nhằm hạn chế lan truyền các thông tin sai lệch về Covid-19, mặc dù có vẻ hơi chậm chân. Điều này khiến các video về thuyết âm mưu vô căn cứ trên YouTube đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trước khi bị gỡ bỏ, trước đó Google và các công ty cho rằng các video này không vi phạm chính sách của họ và tỏ ra chậm chân trong việc chặn chúng từ đầu.
Twitter cho biết họ đang tăng cường sử dụng máy học và tự động hóa để giúp gỡ bỏ thông tin sai lệch. Tương tự, Facebook đã chuyển hướng các tìm kiếm theo từ khóa "5G coronavirus" sang các thông tin được xác thực, đáng tin cậy từ các cơ quan truyền thông, bệnh viện và tổ chức y tế; dù thỉnh thoảng vẫn để lọt các video và bài viết về thuyết âm mưu này trên bảng tin. Người phát ngôn của Facebook cho biết, công ty đang thực hiện các biện pháp "mạnh mẽ" để chống lại thông tin sai lệch xung quanh virus và đang "bắt đầu xóa các tuyên bố sai liên kết công nghệ Covid-19 đến 5G".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.