Vì sao công nghệ VAR chưa được ưa chuộng?

24/08/2019 13:00 GMT+7

Neil Swarbrick - người đứng đầu hệ thống trợ lý trọng tài video (VAR) vừa được áp dụng tại giải bóng đá Ngoại hạng Anh Premier League đã lên tiếng bảo vệ công nghệ gây tranh cãi này.

Cụ thể, ông Swarbrick cho rằng các nhà phê bình công nghệ cần phải “sống chung với nó” và cần phát triển cùng công nghệ này. Trước khi trở thành một trong những người phụ trách giám sát hệ thống VAR mới, ông cũng từng là trọng tài tham gia điều hành hơn 900 trận đấu tại giải Premier League. Ông cho rằng rồi mọi người sẽ dần quen với công nghệ VAR.
Ông Swarbrick giải thích, "đây là thay đổi lớn nhất về mặt điều hành kể từ khi Premier League khởi tranh. Trong ba, bốn hoặc năm năm nữa, mọi người sẽ nhìn lại và không biết bóng đá sẽ như thế nào nếu thiếu VAR”.
Công nghệ trợ lý trọng tài dựa trên video - còn gọi là VAR - đã bị chỉ trích gay gắt kể từ khi được giới thiệu vào mùa giải này, các nhà phê bình cho rằng VAR đã làm kìm hãm sự phấn khích và kịch tính của các trận đấu do phải mất thời gian xem các hình ảnh video tua lại trước khi trọng tài đưa ra quyết định các tình huống nhạy cảm. Cựu tiền đạo Kevin Phillips của đội bóng Sunderland chia sẻ với Sky News rằng, dù là người hâm mộ của hệ thống mới (VAR) nhưng anh cảm thấy rất vui vì nó chưa được sử dụng thời anh còn chơi bóng.
Phillips chia sẻ, "cầu thủ có thể sẽ phải chờ đợi và kìm hãm cảm xúc trước khi nhảy cẫng lên để ăn mừng bàn thắng, vì họ sẽ phải chờ xác nhận của công nghệ VAR - thứ có thể tước đi bàn thắng và cảm xúc mà họ vừa bùng nổ trước đó 30 giây. Dù thích VAR, nhưng là một cầu thủ tôi muốn ăn mừng bàn thắng theo cách tự nhiên nhất có thể”.
Khác với Phillips, cựu trọng tài Swarbrick cho rằng nỗi sợ hãi đó đã không ảnh hưởng tới thực tế đã diễn ra từ số liệu thống kê 70 trận bóng ở Anh được áp dụng VAR. Ông lập luận: "đã có 208 bàn thắng được ghi trong 70 trận đấu sử dụng công nghệ này và chỉ có 6 bàn thắng bị từ chối. Rõ ràng đó là một tỷ lệ rất nhỏ, vì vậy các cầu thủ hãy cứ ăn mừng thoải mái”.
Sự chỉ trích cũng nhắm vào công nghệ đang sử dụng trong VAR, tuy nhiên việc nâng cấp hệ thống camera lên mức 50 hình/giây cho các trận đấu trực tiếp và phát lại ở mức 25 hình/giây đã phần nào cho thấy nỗ lực giảm thiểu sai sót của các nhà tổ chức. Bởi việc sử dụng camera ghi hình VAR ở mức 50 hình/giây cho phép phát hiện các diễn biến nhanh chóng kể cả khi tình huống diễn ra chỉ trong 0,02 giây. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ tham gia vào phân định thắng thua có vẻ như chưa thực sự thuyết phục được nhiều người cũng như fan, ít nhất là khi còn có sự trì hoãn trước khi công nhận bàn thắng hoặc quyết định xử phạt do tham khảo từ VAR.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.