Vì sao Apple khai tử đĩa mềm và jack tai nghe dù người dùng chưa từ bỏ?

26/12/2019 16:12 GMT+7

Từ đĩa mềm đến jack cắm tai nghe tiêu chuẩn 3,5 mm, Apple có truyền thống chủ động loại bỏ một số chuẩn công nghệ phổ biến ra khỏi thiết bị của họ trước khi người dùng thực sự sẵn sàng từ bỏ chúng.

Trong một số trường hợp, những thay đổi của Apple chủ yếu nhằm tăng cường cho thiết bị nhiều chức năng hơn, mỏng hơn, ít bị ràng buộc với dây ngoại vi hơn và thẩm mỹ hơn. Nhưng cũng có những lúc chính Apple đã góp phần thúc đẩy các tiêu chuẩn công nghiệp theo một hướng mới hoặc chính họ cũng phải hối tiếc.
Giờ đây, Apple có vẻ như đã sẵn sàng thực hiện bước tiến tiếp theo với trải nghiệm iPhone không dây, một thiết bị ít có cổng kết nối ngoại vi nhất có thể.
Nhưng trước khi điều đó trở thành sự thật, hãy cùng điểm qua một số dự báo và lịch sử bỏ rơi chuẩn cũ của Apple dựa theo bài viết của CNN:

Sẽ có iPhone giao tiếp không dây hoàn toàn?

Nhà phân tích hàng đầu của Apple là Ming-Chi Kuo, thuộc công ty TF International Securities, đã đưa ra dự báo vào đầu tháng này rằng Apple sẽ loại bỏ cổng kết nối Lightning khỏi các mẫu iPhone cao cấp vào năm 2021. Điều này đồng nghĩa với việc hãng muốn tạo ra một chiếc iPhone dựa hoàn toàn vào các giao tiếp không dây. Kuo cho rằng, thiết kế mới sẽ giúp phân biệt chiếc iPhone mới đắt tiền hơn so với các mẫu iPhone còn lại, qua đó tạo ra nhu cầu mới nhằm thúc đẩy doanh số.
Dĩ nhiên, đây mới chỉ là dự báo của Kuo và Apple cũng từ chối bình luận. Nhưng dựa trên những dấu hiệu tăng cường các phụ kiện không dây cho Apple gần đây, có thể nói chiếc iPhone “không dây” sẽ sớm trở thành hiện thực, vấn đề chỉ còn là thời điểm mà thôi.

Cổng sạc Lightning sẽ sớm biến mất trên iPhone vào năm 2021?

Ảnh: AFP

Apple đã bán các đế sạc không dây hỗ trợ từ iPhone 8 trở lên, nhưng chưa rõ người dùng có muốn dùng nó cho một chiếc iPhone sử dụng giao tiếp không dây hoàn toàn hay không? Bởi nếu vẫn sử dụng bộ sạc này, nó có tốc độ sạc chậm hơn nhiều so với sạc có dây truyền thống. Chưa kể gần đây, Apple bổ sung sạc nhanh 18W vào hai biến thể Pro của iPhone 11 và được người dùng đón nhận tích cực. Trong khi bộ sạc không dây nhanh nhất hiện chỉ có công suất 7.5W.
Ngoài ra, còn một số thách thức khác như người dùng sẽ phải vứt bỏ tai nghe có dây đang dùng để mua tai nghe Airpods mới, chưa kể nhiều xe hơi đời cũ yêu cầu phải giao tiếp qua jack cắm mới hỗ trợ CarPlay - công nghệ cho phép người dùng xem Apple Maps, Music và các ứng dụng giải trí trên màn hình xe hơi của họ lấy nội dung từ iPhone.

Cái chết được báo trước của ổ đĩa mềm và CD

Với việc ra mắt mẫu iMac 1998, Apple đã loại bỏ ổ đĩa mềm thường thấy trên các máy tính cá nhân thời đó. Họ chỉ giữ lại một ổ đĩa CD có thể ghi (CD Rewrite). Điều này được Apple duy trì 10 năm nữa trước khi khai tử luôn ổ CD trên máy tính của họ.

Bộ sạc MagSafe

Công nghệ sạc dùng đầu từ tính phổ biến của Apple đã biến mất khỏi máy tính xách tay của hãng kể từ MacBook Air 2015 và MacBook Pro 2016. Đó là một quyết định gây tranh cãi, bởi cáp sạc từ tính rất tiện dụng vì nếu bất ngờ bị giật dây hoặc vấp vào dây thì bộ sạc dễ dàng tự ngắt khỏi máy thay vì kéo theo laptop rơi xuống đất.

Bộ sạc đầu nam châm của Apple đã bị khai tử và thay thế bằng chuẩn mới

Ảnh: Apple

Các máy Mac đó cũng loại bỏ luôn cổng USB truyền thống (USB-A) và thay bằng cổng USB-C (còn gọi là USB Type-C) tiện lợi, vừa có vai trò là cổng truyền dữ liệu vừa đóng vai trò là cổng sạc. Việc chuyển đổi này cho phép Apple tạo ra các laptop mỏng nhẹ hơn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là nhiều người dùng thẻ nhớ USB giao tiếp qua cổng USB truyền thống vẫn phải mua một bộ chuyển tiếp sang USB-C để chép dữ liệu với máy tính mới của họ.
Trước đó, vào năm 2012, Apple cũng đã chuyển sang cáp Lightnigh và khách hàng của họ đã phải nói lời tạm biệt với cổng sạc 30-pin lớn vốn được sử dụng trên iPhone, iPad và iPod suốt cả thập kỷ trước đó. Nhưng rồi gần đây, hãng cũng dần loại bỏ cổng lightning khỏi các thiết kế iPad mới và nó cũng gần như biến mất ở các mẫu máy tính mới của Apple.

Tạm biệt jack tai nghe 3,5 mm

Kể từ năm 2016, khi iPhone 7 và iPhone 7 Plus được phát hành, Apple đã loại bỏ jack cắm tai nghe truyền thống và thay vào đó là một cổng USB-C vừa dùng cho tai nghe vừa dùng cho sạc. Nếu người dùng vẫn muốn sử dụng tai nghe 3,5 mm cũ thì họ buộc phải mua một adapter (đầu chuyển) để sử dụng với iPhone mới. Xu hướng này tiếp tục và Apple cũng công khai ra mắt các mẫu tai nghe không dây AirPods và AirPods Pro nhằm thúc đẩy quá trình loại bỏ tai nghe có dây trên iPhone.
Không những vậy, model mới này cũng đã loại bỏ nút Home vật lý ở mặt trước của điện thoại. Thay vào đó, họ đưa ra tùy chọn một nút ảo với phản hồi xúc giác, mô phỏng cảm giác ấn nút Home thật. Mãi tới iPhone X vào năm 2017, nút Home đã biến mất hoàn toàn và năm nay không còn chiếc iPhone nào có nút Home vật lý nữa.

Touch ID và Face ID

Face ID dần trở thành một chuẩn bảo mật tiện lợi trên các mẫu iPhone mới

Ảnh: AFP

Nhiều người dùng đã nghi ngờ khi Apple giới thiệu Touch ID, công nghệ mở khóa cảm biến vân tay của họ dành cho iPhone vào năm 2013. Nhưng những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật xung quanh việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học đã không ngăn Apple loại bỏ Touch ID và thay thế bằng Face ID, công nghệ nhận dạng khuôn mặt để mở khóa xuất hiện lần đầu trên iPhone X vào năm 2017. Dĩ nhiên, họ cho người dùng tùy chọn sử dụng tính năng này.
Khi mới công bố iPhone X, công ty cho biết công nghệ mở khóa mới an toàn hơn so với Touch ID với tỷ lệ sai số là 1:1000.000, so với tỷ lệ 1:50.000 của Touch ID. Tuy nhiên, phải mất thêm một thời gian tính năng này mới thực sự chiếm được niềm tin của người dùng sau những sai sót không đáng có trong thời gian đầu mới ra mắt.

Câu chuyện về bàn phím "cánh bướm"

Những thay đổi của Apple không phải lúc nào cũng suôn sẻ. MacBook Air 2015 ra mắt với một loại bàn phím mới mà hãng gọi là “cánh bướm”, thay thế cho bàn phím kiểu “cắt kéo” cũ. Apple tạo ra bàn phím cánh bướm nhằm tăng độ mỏng của các laptop MacBook và giảm thiểu lực gõ cho bàn phím (đồng nghĩa với hành trình phím ngắn hơn).

Bàn phím cánh bướm sớm trở thành nỗi thất vọng của người dùng với Apple

Ảnh: Apple

Đáng tiếc là thay đổi này phản tác dụng, người dùng sớm nhận ra vấn đề với bàn phím cánh bướm và đã phàn nàn rất nhiều về nó. Bởi thực tế, thiết kế mới này khiến bàn phím dễ bị trục trặc với lỗi “dính phím” dù hãng đã hai lần nâng cấp thiết kế cho nó, buộc hãng phải công khai xin lỗi người dùng vào đầu năm nay.
Vào tháng 11 vừa qua, Apple đã phát hành một chiếc MacBook Pro 16 inch mới với thiết kế bàn phím “hoàn toàn mới”, thực chất bàn phím này lại quay về thiết kế kiểu cắt kéo cũ với một chút tinh chỉnh. Theo dự đoán của Kuo, các máy tính khác của Apple sắp tới cũng sẽ sớm quay trở lại bàn phím cắt kéo này.
Lại nói về bàn phím, Apple từng có một số nỗ lực để thay đổi nó, bắt nguồn từ việc loại bỏ tiêu chuẩn của nó trên máy tính Macintosh đầu tiên ra mắt năm 1985. Không giống như các máy tính Apple 1 và Apple 2 trước đó, Macintosh lúc đó mới ra không có bất kỳ phím mũi tên nào trên bàn phím để điều hướng và họ buộc người dùng phải học cách sử dụng chuột.
Tuy nhiên, thực tế là mọi người vẫn muốn có cả chuột và phím mũi tên điều hướng trên bàn phím, do vậy Apple đã khôi phục các phím mũi tên này trên bàn phím. Câu chuyện tương tự với phím Esc (phím thoát), Apple từng loại bỏ nó nhưng rồi phải tích hợp phím cứng này trở lại bên cạnh Touchbar cảm ứng trên mẫu MacBook Pro 16 inch vừa mới ra mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.