Ứng dụng 'Y tế HCM' vô tình công khai dữ liệu người dân

14/09/2021 16:30 GMT+7

Thông tin chi tiết của người khai báo y tế bị hiển thị đầy đủ, không được mã hóa và ai cũng có thể xem được, trong khi phần lịch sử di chuyển và sức khỏe lại sai thông tin.

“Y tế HCM” là ứng dụng trên smartphone được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Sở Y tế TP.HCM phát triển, định hướng trở thành phần mềm thống nhất để người dân trên địa bàn sử dụng. Mỗi người khi đăng ký tài khoản sẽ được cấp một mã QR (trên smartphone) hoặc mã số qua tin nhắn điện thoại (nếu dùng máy). Mã này dùng để khai báo y tế, truy lịch sử di chuyển, tình trạng tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm, thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà…
Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu triển khai thử nghiệm, nhiều người không khỏi lo lắng khi toàn bộ thông tin cá nhân cung cấp khi đăng ký tài khoản được hiển thị công khai, không có dấu hiệu mã hóa. Những thông tin như họ tên đầy đủ, số điện thoại, địa chỉ cư trú chi tiết đều hiển thị ở dạng văn bản không mã hóa, không có biện pháp giới hạn phương thức tiếp cận nên ai cũng có thể đọc được dữ liệu của người khác.
Bên cạnh đó, chương trình lưu lịch sử di chuyển có lộ trình vô cùng phức tạp dù người dùng chỉ ở nhà, không hề ra ngoài.

Dữ liệu cá nhân bị công khai, trong khi lộ trình khai báo và di chuyển lại thiếu chính xác

Chụp màn hình

Đang nằm nhà, ứng dụng báo ở bệnh viện

Anh N.Đ.L.Q (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết ứng dụng "Y tế HCM" lưu lịch sử khai báo di chuyển của anh từ Trung tâm y tế Phạm Văn Cội (Củ Chi) tới Trung tâm y tế Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) chỉ trong chưa đầy một phút, dù trước đó đã “di chuyển” qua Bệnh viện dã chiến Điều trị Covid-19 Đa tầng thuộc quận Tân Bình. Hai trong số các địa điểm khai báo được lưu nói trên ghi anh mắc các triệu chứng Covid-19 như sốt, ho, đau họng, khó thở…, thuộc diện F0 cần theo dõi. Toàn bộ lịch sử di chuyển được hệ thống ghi lại đều không đúng với thực tế và tình trạng sức khỏe cũng hoàn toàn sai.
Không chỉ vậy, nhiều người dùng còn phản ánh tình trạng đăng ký tài khoản và đăng nhập khó khăn khi sử dụng phần mềm này, dù họ đã thử gỡ đi cài lại liên tục. “App còn nhiều lỗi, đăng nhập xong vào update thông tin nhưng không chọn được quốc gia, cũng không bỏ qua được bước này”, người dùng có tên Jin Nguyễn than phiền. Thậm chí một số trường hợp còn gặp tình trạng không thể cài lên máy hoặc ứng dụng lỗi ngay khi khởi động.
"Y tế HCM" có cả phiên bản Android lẫn iOS nhưng đều nhận đánh giá chưa cao. Trên gian ứng dụng Play Store dành cho Android, phần mềm chỉ được 1,7 sao trên tổng điểm 5 sao sau khi có hơn 100.000 lượt tải về. Trong khi đó, App Store cho iOS ghi nhận mức điểm 3,1 sao từ 107 lượt đánh giá của người dùng, lượng bình luận phàn nàn chất lượng chưa cao vẫn nhiều.

Đa phần đánh giá chất lượng phần mềm chưa cao trên cả nền tảng Android lẫn iOS

Chụp màn hình

Một chuyên gia bảo mật sau khi khai báo thông tin trên phần mềm "Y tế HCM" xác nhận các thông tin khai báo của anh cũng bị công khai, lịch trình đi lại cũng không chính xác. “Tôi ở nhà nhưng lộ trình di chuyển của tôi qua 3 quận, huyện, "thăm" từ trung tâm y tế tới bệnh viện mà thời gian khai báo cách nhau chỉ vài chục giây, chưa đầy một phút”, anh nói.
Chuyên gia này cho biết ứng dụng có hiện tượng hiển thị nhầm người và lộ thông tin như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các cá nhân khai báo thông tin y tế. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển và kiểm định bảo mật, anh đánh giá đây là vấn đề thuộc về lỗi kỹ thuật, do sản phẩm bị tung ra trong tình trạng vội vàng, trải qua quy trình kiểm thử chất lượng thiếu kỹ lượng.
“Đầu giờ chiều 14.9 tôi có thử kiểm tra lại thì dường như đơn vị phát triển ứng dụng đã sửa lỗi hiển thị thông tin công khai, không chính xác”, anh cho biết thêm.

Bản tin Covid-19 ngày 14.9: Cả nước 10.508 ca nhiễm | Biểu đồ ca nhiễm ở TP.HCM vẫn theo đường ngang

"Ma trận" khai báo qua ứng dụng

Hiện nay, nhiều đơn vị triển khai ứng dụng khai báo y tế dẫn tới tình trạng thiếu đồng nhất, mỗi phần mềm cung cấp một định dạng, đẩy người dân vào “ma trận khai báo qua ứng dụng”. Nếu tìm kiếm từ khóa “y tế” trên iOS sẽ trả về kết quả 8 chương trình khác nhau có cùng chức năng, mục đích là khai báo sức khỏe, y tế. Trong khi đó, trên Android số lượng này lên tới hàng chục phần mềm của rất nhiều đơn vị lớn nhỏ, thậm chí doanh nghiệp cũng tự làm chương trình riêng.
Ngoài ra, hiện tại ứng dụng VNEID do Bộ Công an xây dựng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đang được triển khai. Ứng dụng có khả năng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân, phục vụ công tác truy vết F0, F1, F2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, có khả năng mở rộng triển khai ở các địa điểm khác khi có yêu cầu như: siêu thị, trung tâm thương mại, hiệu thuốc...
Trước đó, ngày 11.9, Công an TP.HCM có văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành TP.HCM, chủ tịch UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức về việc phối hợp triển khai ứng dụng VNEID để khai báo qua phần mềm di chuyển nội địa phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM
Nhiều người cho biết họ không biết nên tin dùng và lựa chọn phần mềm nào để sử dụng làm ứng dụng chính. Một số thì chấp nhận tải hết về để sử dụng vì nỗi lo khai báo thiếu hay chương trình dùng để khai báo không được cơ quan quản lý chấp thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.