Ứng dụng video trực tuyến và game 'lên ngôi' trong mùa dịch Covid-19

Thành Luân
Thành Luân
13/05/2020 16:33 GMT+7

Dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài đã khiến các ứng dụng giao tiếp qua video tăng mạnh về tỷ lệ người dùng, khi nhiều người phải làm việc, dạy học trực tuyến . Cùng với đó là nhu cầu hoạt động giải trí tại nhà gia tăng.

Đây là một phần nằm trong báo cáo “Khủng hoảng Covid-19: Tác động và tiềm năng phục hồi” do công ty quảng cáo Adsota phát hành. Theo đó, game và những nền tảng chia sẻ video trực tuyến đều nằm trong top đầu danh sách các ứng dụng về lượt cài đặt.

Sự bùng nổ của các ứng dụng làm việc trực tuyến và giao tiếp thông qua video

Kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, các doanh nghiệp buộc phải hạn chế tối đa những hoạt động cần phải di chuyển hay tiếp xúc với nhiều người. Trường học và các cơ sở giáo dục cũng buộc phải đóng cửa để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Do vậy, để duy trì công việc, nhu cầu sử dụng các ứng dụng hỗ trợ giao tiếp và làm việc từ xa gia tăng đáng kể.

Các công cụ gọi video hỗ trợ theo nhóm được đông đảo người dùng lựa chọn trong dịch Covid-19

Ảnh chụp màn hình

Theo báo cáo Khủng hoảng Covid-19: Tác động và tiềm năng phục hồi của Adsota, Skype và Zoom là 2 công cụ được các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục sử dụng nhiều nhất cho mục đích gọi video trực tuyến. Có đến 53% nhân viên tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng Skype cho các cuộc họp, theo sau đó là Zoom và Google Hangouts với số liệu lần lượt là 33% và 19% người sử dụng. Microsoft Teams cũng là một trong những ứng dụng nổi bật với 18% người sử dụng và được nhiều lớp học lựa chọn để tổ chức trực tuyến.

Nội dung giải trí trực tuyến dưới dạng video cũng “lên ngôi”.

Song song với tỷ lệ sử dụng những công cụ phục vụ nhu cầu làm việc từ xa của người tiêu dùng, nhu cầu tiêu thụ các nội dung giải trí tại nhà cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu từ báo cáo, trong Top 10 ứng dụng có lượt tải nhiều nhất trên App Store và Google Play vào thời điểm giữa tháng 4, ngoài các ứng dụng giao tiếp như Zalo, Facebook Messenger, những ứng dụng còn lại đều thuộc thể loại video giải trí như Tiktok, YouTube và các ứng dụng về game.

Ảnh chụp màn hình

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, TikTok là nền tảng video trên điện thoại phổ biến nhất với những nội dung dẫn đầu xu hướng được sáng tạo bởi chính người dùng. Ứng dụng này gần đây đã chính thức chạm mốc 2 tỉ lượt tải trên toàn thế giới tính từ khi ra mắt. TikTok đã chứng minh được sức ảnh hưởng của mình đối với xã hội khi được nhiều tổ chức y tế của các quốc gia lựa chọn làm nền tảng truyền thông về dịch bệnh Covid-19. Tại Việt Nam, Bộ Y tế sử dụng một tài khoản trên nền tảng này để phát động các chiến dịch nhằm truyền đi thông điệp giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng như hạn chế đến nơi đông người với hashtag #onhavanvui, bài hát Ghen Cô Vy kết hợp cùng các nghệ sĩ đình đám...

Gaming 'lên ngôi' trong mùa dịch

Những trò chơi điện tử trực tuyến có thể được coi là một trong những cách tốt nhất để mọi người xích lại gần nhau trong thời buổi cần đảm bảo khoảng cách xã hội như hiện nay. Theo số liệu thống kê, có đến 36% người dùng đã chơi game nhiều hơn trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Những tựa game di động như: Save The Girl, Brain Out... cũng luôn nằm trong danh sách Top 10 ứng dụng có lượt tải về nhiều nhất của App Store và Google Play. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO cũng đã lên chiến dịch #PlayApartTogether nhằm khuyến khích mọi người ở nhà và tham gia chơi game cùng nhau, tạo khoảng cách xã hội, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Facebook cũng tranh thủ ra mắt nền tảng gaming mới của mình trong mùa dịch Covid-19

Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, nền tảng streaming những nội dung liên quan đến game như Facebook Gaming, Twitch... cũng ghi nhận những phát triển vượt bậc kể từ đầu tháng 4. Theo số liệu thống kê, tổng số lượt xem của Facebook Gaming tăng lên đến 81,37% chỉ trong gần nửa tháng, tỷ lệ tương tác và lượt tiếp cận cũng tăng lần lượt 50% và 79,6%.
Nhận thấy xu hướng phát triển tiềm năng trong thời gian này, Facebook đã gấp rút ra mắt ứng dụng Facebook Gaming trên điện thoại vào ngày 20.4 vừa qua, một dự án đáng lẽ tháng 6 mới được công bố nếu theo đúng kế hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.