Trung Quốc muốn xây trạm năng lượng đầu tiên trên không gian

Thu Thảo
Thu Thảo
19/02/2019 07:59 GMT+7

Tham vọng không gian của Trung Quốc đang tiến lên tầm cao hơn.

Theo Bloomberg, sau chuyến đi thành công đầu tiên trên thế giới đến vùng tối của Mặt trăng, Trung Quốc chuẩn bị xây dựng trạm năng lượng mặt trời trong không gian. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cố gắng “đánh bóng” vị thế siêu cường của mình.
Với ngân sách thường niên 8 tỉ USD rót cho chương trình không gian, chỉ thấp hơn Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh với các đối thủ để giành sự thống trị về mặt kinh tế, quân sự và chính trị. Hiện các nhà khoa học đã bắt đầu xây dựng cơ sở thử nghiệm ở thành phố Trùng Khánh, phía tây Trung Quốc.
Bước đầu, họ dự kiến phát triển một trạm năng lượng nhỏ hơn trong tầng bình lưu đến năm 2021. Đến năm 2030, cơ sở năng lượng mặt trời cấp 1 megawatt sẽ xuất hiện trong không gian. Cuối cùng, Trung Quốc muốn xây trạm năng lượng lớn hơn, theo thông tin từ trang Science and Technology Daily.
Dưới đây là sơ lược nhiều tham vọng và thành quả khác của Trung Quốc trên không gian.

Thám hiểm Mặt trăng

Rover Mặt trăng Yutu-2 được chụp bởi tàu thăm dò Hằng Nga 4 tại vùng tối của Mặt trăng Ảnh: AFP
Giới khoa học vũ trụ Trung Quốc đã cho hạ cánh thành công tàu thăm dò tại vùng tối của Mặt trăng hôm 3.1, thực hiện một loạt nhiệm vụ và thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc. Hạ cánh tại khu vực chưa từng được khám phá cho phép tàu thăm dò Hằng Nga 4 nghiên cứu tốt hơn về Mặt trăng vì nơi này chưa bị nhiễu điện từ từ Trái đất.

Trồng cây

Nhiệm vụ Mặt trăng của Trung Quốc cũng đi kèm với thử nghiệm xem liệu nơi này có thể hỗ trợ sự sống hay không. Hình ảnh được Hằng Nga 4 gửi về Trái đất tháng trước cho thấy chiếc lá xanh đầu tiên nhú lên từ hạt bông nảy mầm, 9 ngày sau khi thí nghiệm bắt đầu.

Nhiều nhiệm vụ không gian

Nội thất giả lập của tàu vũ trụ Crew Dragon do SpaceX phát triển Ảnh: Bloomberg
Trung Quốc có nhiều nhiệm vụ không gian được lên lịch. Wu Yanhua, phó quản trị viên của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, cho biết tàu thăm dò Hằng Nga còn bốn phiên bản nữa đang được triển khai. Cơ quan này cũng tìm hiểu việc thiết lập cơ sở nghiên cứu trên Mặt trăng. Việc thăm dò sao Hỏa có khả năng khởi động từ cuối thập niên này.

Trạm không gian

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng trạm không gian riêng vào khoảng năm 2022. Trạm không gian Thiên Cung sẽ có một module lõi và hai module khác để thử nghiệm, nặng tổng cộng 66 tấn và chứa được ba người. Cơ sở này sẽ được dùng cho nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý và khoa học vật liệu.

Tên lửa riêng

Vệ tinh thứ 24 và 25 của Hệ thống Định vị Bắc Đẩu được phóng lên không gian vào tháng 11.2017 Ảnh: AFP/Getty Images
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nới lỏng sự độc quyền của chính phủ trong mảng phóng tên lửa, tàu vũ trụ lên không gian. Nhiều doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc từ đó ra đời với giấc mơ thách thức SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk, Blue Origin của sếp Amazon Jeff Bezos hay Virgin Galactic của tỉ phú Anh Richard Branson.

Thách thức GPS

Trung Quốc đang chi ít nhất 9 tỉ USD để cạnh tranh với Mỹ trên không gian. Nước này muốn xây dựng hệ thống định vị, bớt phụ thuộc vào hệ thống GPS do Mỹ sở hữu. Dữ liệu vị trí GPS được smartphone, các hệ thống định vị ô tô và vi mạch trên cổ thú cưng... sử dụng. Dữ liệu từ GPS cũng giúp dẫn đường tên lửa. Tất cả vệ tinh GPS đều do Không quân Mỹ kiểm soát, và thực tế này khiến chính phủ Trung Quốc thiếu thoải mái. Vì thế, nước này tự phát triển hệ thống Beidou Navigation System, hay Hệ thống Định vị Bắc Đẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.