T-Mobile và Sprint về chung một nhà sau thương vụ 26 tỉ USD

Thành Luân
Thành Luân
01/05/2018 10:32 GMT+7

T-Mobile và Sprint chính thức thông báo sáp nhập với nhau dưới tên gọi T-Mobile, chấm dứt tên gọi Sprint trên thị trường. Điều này hứa hẹn tạo cơ hội thúc đẩy mạng 5G cho doanh nghiệp sau sáp nhập.

Theo SlashGear, công ty sáp nhập sẽ được biết đến với tên gọi T-Mobile và sẽ do John Legere đứng đầu. Công ty mẹ T-Mobile, Deutsche Bank, sẽ kiểm soát 42% nhà cung cấp dịch vụ mới, trong khi công ty mẹ của Sprint là SoftBank sẽ sở hữu 27%. Các nhà đầu tư sẽ sở hữu 31% còn lại. Thỏa thuận này vẫn cần đến sự phê duyệt của cơ quan chức năng theo quy định.
Sprint là công ty có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ Brown Telephone Company được thành lập vào năm 1899. Tuy nhiên phải mất một thời gian dài công ty mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực kinh doanh di động. Vào năm 1997, Sprint đã mở các cửa hàng bên trong các địa điểm Radio Shack để bán điện thoại di động và cung cấp dịch vụ không dây. 20 triệu thiết bị cầm tay đã được bán trong quá trình hợp tác ban đầu.
Năm 2004, Sprint đã mua Nextel tạo ra thương vụ kết hợp giữa nhà mạng lớn thứ 3 và thứ 5 của Mỹ lại với nhau. Thỏa thuận này đã được các nhà quản lý chấp thuận với điều kiện là Sprint sử dụng phổ tần số cao 2,5 GHz trong vòng 4 năm. Vào ngày 17.9.2007, khi thời đại smartphone bắt đầu, Dan Hesse được bổ nhiệm làm CEO Sprint Nextel. Dưới sự lãnh đạo của mình, Sprint đã trả Apple 15 tỉ USD trong hơn 4 năm để cấp quyền bán iPhone cho khách hàng công ty. Hesse đóng vai chính trong một số quảng cáo truyền hình cho Sprint và cũng đã ký hợp đồng mua nhà cung cấp dịch vụ di động trả trước Virgin Mobile và nhà cung cấp mạng WiMax 4G.
Vào tháng 7.2013, sau một trận chiến tiếp quản rầm rộ Sprint với các đối thủ cạnh tranh từ SoftBank và Dish Network, công ty Nhật Bản đã tăng vốn đầu tư 78% cổ phần Sprint, và sau đó đã tăng lên hơn 80%. Cuối năm đó, CEO SoftBank Masayoshi Son và CEO Sprint Dan Hesse nói rằng họ không loại trừ khả năng sáp nhập với T-Mobile. Điều này khiến Ủy ban Truyền thông Liên Bang Mỹ (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) phải nhảy vào cuộc để ngăn không cho giao dịch thực hiện. Sprint đã lùi lại cuộc đàm phán, và Hesse đột nhiên rời khỏi chức vụ CEO Sprint và thay vào đó là Marcelo Claure - người sáng lập nhà phân phối điện thoại Brightstar - vào tháng 8.2014. Năm sau, T-Mobile vượt mặt Sprint để trở thành nhà mạng lớn thứ 3 của Mỹ.
Trong khoảng thời gian này, Sprint đã tìm một số biện pháp để cải thiện vị thế của mình. Cụ thể vào tháng 12.2014, công ty mở chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng với việc giảm nửa phí sử dụng dịch vụ hằng tháng so với thông thường. Hãng cũng cung cấp gói dữ liệu không giới hạn, cung cấp thuê bao tùy chọn thuê điện thoại thay vì mua điện thoại mới, hoặc trợ giá mua hàng. Số tiền thanh toán có thể được thực hiện đồng thời hoặc 6 lần trả góp hằng tháng.
Tuy nhiên, các nỗ lực mà Claure đưa ra cũng không giúp được nhiều cho Sprint khi mà T-Mobile liên tục tăng trưởng nhờ sự đổi mới, đó là lý do khiến sự hợp nhất với T-Mobile diễn ra. Mặc dù vẫn cần nhiều sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhưng nếu FCC và DOJ phê duyệt, cũng như các cổ đông hai công ty đồng ý thì biểu tượng màu vàng đen của Sprint sẽ sớm được thay thế bởi sắc đỏ của T-Mobile. Khi đó thương hiệu Sprint sẽ giống như EJ Korvette, Eastern Airlines, Compaq và EF Hutton dần dần đi vào quên lãng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.