Thực tế ảo có thể thành 'ác mộng' trong tương lai

Xu hướng công nghệ thực tế ảo đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các hãng công nghệ lớn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đằng sau nó còn có nhiều mặt trái đầy rủi ro.

Xu hướng công nghệ thực tế ảo đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các hãng công nghệ lớn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đằng sau nó còn có nhiều mặt trái đầy rủi ro.

Cả "thần dân" Facebook lẫn người hâm mộ của Samsung và giới chơi thực tế ảo (virtual reality, VR) đều hào hứng với điều ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg "phán" trong sự kiện Samsung Unpacked 2016 ngày 21.2.2016 tại Barcelona (Tây Ban Nha) rằng: "VR là nền tảng của tương lai" hay trong tương lai, "VR là nền tảng xã hội nhất".
VR và viễn tưởng công nghệ của tương lai

Nhà sáng lập và CEO của Facebook nhiều lần mô tả công nghệ VR là "nền tảng điện toán và truyền thông lớn trong tương lai". Mark cũng chẳng ngần ngại gì mà không dám nói rằng VR là nền tảng tương lai của Facebook. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn đăng trên trang Business Insider (29.2.2016), nhà tỉ phú USD tuổi 30 đời đầu này dự đoán rằng sẽ phải mất ít nhất là 10 năm nữa để VR có thể ra thị trường rộng rãi (mass market).
Mẫu kính thực tế ảo HoloLens của Microsotf có khả năng tạo ra được môi trường 3D ảo xung quanh - Ảnh: Microsoft
Thật ra, VR không phải là một phát kiến mới mẻ. Ngay từ cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, người ta có những thiết bị cụ thể với công nghệ VR và 3D rồi. Nhưng chỉ những năm gần đây, khi game, cả máy tính lẫn console, khai thác ngày càng sâu rộng công nghệ VR, công nghệ này mới thật sự nóng lên. Và VR trở thành một xu hướng, một trào lưu khi các nhà sản xuất thiết bị di động, nổi bật là smartphone, bắt đầu gắn VR với thiết bị của mình để người ta có thể "sống ảo" mọi lúc mọi nơi.
Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi các ông lớn công nghệ - đặc biệt là trong mảng dịch vụ internet, game và di động như Google, Facebook, Microsoft, Samsung, LG, HTC… gần đây đều đã có những chiếc kính VR riêng.

Cũng giống như các công nghệ ứng dụng khác, VR bao gồm 2 yếu tố: thiết bị và nội dung. Thiết bị thì giờ đây trăm hoa đua nở. Riêng về kính VR, hiện nay có thể chia thành 2 loại:

- Một là thiết bị hoàn chỉnh có thể tự hoạt động (stand-alone), chỉ cần nạp nội dung vào là có thể xem. Loại kính VR chủ động này như Oculus Rift của Oculus/Facebook, Vive VR của HTC, HoloLens của Microsotf. Đây là thiết bị chuyên dụng, có chất lượng cao nhất và cho trải nghiệm VR đúng chất nhất, nhưng lại có giá rất cao. Loại thiết bị này hiện chỉ có rất ít mẫu mã và chủ yếu phục vụ cho game thủ.

- Tiếp theo là loại kính VR thụ động chỉ có chức năng như màn hình để hiển thị, cần phải được kết nối với thiết bị phát (chủ yếu là smartphone). Loại này hiện có vô số mẫu mã, chất liệu với giá từ dưới 10 USD tới trên dưới 100 USD. Về cơ bản, chúng được chế tạo dựa trên mẫu kính thực tế ảo Google Cardboard - một loại kính VR đơn giản và rẻ tiền, được làm bằng giấy bìa cứng với 2 thấu kính bằng nhựa. Các loại kính VR này xem nội dung từ màn hình của chiếc smartphone có chạy những ứng dụng VR hay phát nội dung VR.

Điều độc đáo và hấp dẫn nhất là với loại kính VR thụ động này, bạn sẽ được xem những video giống như đang xem trên một màn ảnh rộng của rạp chiếu phim. Có hãng quảng cáo là có cảm giác như xem phim trên màn hình rộng tới 200 inch.

Không ai có thể hình dung trước được những gì mà công nghệ VR đem lại cho con người. Ngoài giải trí là chức năng hấp dẫn nhất, VR sẽ là một phương pháp rèn luyện kỹ năng siêu đẳng, đặc biệt là cho các công việc nguy hiểm. Ngay từ năm 1966, Mỹ đã chế tạo ra hệ thống VR Super Cockpit để huấn luyện phi công. Sau cuộc tấn công khủng bố 11.9.2001, Mỹ đã ứng dụng VR trong quá trình chữa trị tâm lý cho những người sống sót. Công nghệ VR vẫn đang được Mỹ ứng dụng để chữa trị hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Posttraumatic Stress Disorder, PTSD) cho những cựu binh về từ Iraq, Afghanistan, hay những nạn nhân của tai họa.
Chứ xem thường kính thực tế ảo VR

Nhưng công nghệ nào dù siêu đẳng tới đâu cũng chỉ là công cụ phục vụ con người. Nó có mặt trái và thường gây ra lợi bất cập hại nếu như bị lạm dụng.

Tôi không rõ đã có những kết quả nghiên cứu cụ thể nào không, nhưng việc sử dụng kính VR thường xuyên không có lợi cho mắt và não, đặc biệt là ở trẻ em đang trong quá trình hoàn thiện các cơ quan chức năng này. Hãng Samsung đã cho in trên hộp đựng và trong sách hướng dẫn sử dụng chiếc kính Gear VR lời lưu ý rằng không dùng thiết bị này cho trẻ em dưới 13 tuổi và cứ xem chừng 30 phút nên nghỉ mắt 10-15 phút. Có tới 4 trang trong tổng số 60 trang của cuốn sách hướng dẫn được dành cho các lưu ý về sức khỏe người dùng với kính VR.
Với kính xịn mà còn như vậy, huống chi là với những loại kính giá rẻ tràn lan trên thị trường thì còn nguy hại ra sao.
Lạm dụng kính thực tế ảo có thể gây ra những hiểm họa khôn lường - Ảnh: AFP

Còn về tác động lên tâm sinh lý con người và xã hội, công nghệ VR có những nguy cơ chẳng nhẹ nhàng chút nào.

Các nhà chuyên môn đều nói rằng VR sẽ làm thay đổi cách con người sống. Cần lưu ý điều đó. Lâu nay, với các mạng truyền thông xã hội, người ta đã cảnh báo nhiều về hiện tượng "sống ảo" của những người bị lậm. Nói theo ngôn ngữ miền Tây Nam bộ, đó là "sống trên trời".

Với những đặc thù của mình, VR sẽ càng làm cho lối "sống ảo" thêm trầm trọng hơn. Bởi giờ đây, bạn không chỉ nhìn thấy những gì trên màn hình mà còn như hóa thân vào ngay trong môi trường ảo đó, thậm chí có thể tương tác như là một nhân vật thật sự.

Gây quan ngại nhất vẫn là ở mảng game. Trước giờ người ta cũng nói nhiều về sự ảnh hưởng của game tới những người chơi, tỷ lệ thuận theo độ nghiện game. Bây giờ, với thiết bị chơi game VR, người chơi càng bị ảnh hưởng nặng nề, nhanh hơn và sâu hơn.

Trong thời gian qua, ngành công nghệ tình dục cũng đã có ngay những động thái để khai thác các đặc thù của công nghệ VR. Trên mạng đã xuất hiện những video tình dục với hiệu ứng VR và 3D. Ít lâu nay, đã có những thông tin về những nỗ lực phát triển thiết bị phục vụ tình dục VR có tính năng tương tác. Chẳng hạn, hai người ở hai bên bờ Thái Bình Dương có thể kết nối qua mạng VR để rồi "làm chuyện ấy" với cảm giác như đang trực tiếp bên nhau. Công cụ VR cho "tự xử" thì là chuyện nhỏ. Người ta cũng có thể dùng camera 360 độ hay 3D để chụp ảnh một người nào đó nạp vào ứng dụng VR để có thể tương tác như thật. Chẳng biết điều gì sẽ xảy ra nếu như ai đó đưa ảnh chụp của cô hàng xóm vào ứng dụng nhạy cảm như vậy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.